ClockThứ Sáu, 17/12/2021 05:42
Kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021)

Những ngày tháng hào hùng - Kỳ 2: Vũ khí thô sơ tinh thần quả cảm

TTH - Trong gần 20 vị trí mà binh sĩ Pháp đồn trú ở khu tam giác của Huế thì Morin là trung tâm đầu não, đặt dưới sự chỉ huy của Trung tá Coste.

Những ngày tháng hào hùng - kỳ 1: Tiến công nổi dậyTuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến

 Bia tưởng niệm Liệt sĩ Tiếp phòng quân Thuận Hóa hy sinh ngày 2/1/1947

Ngay từ đêm mở đầu cuộc chiến, dù quân ta đã mở nhiều cuộc tấn công, nhưng do địch cố thủ ở tầng 2 và quyết liệt chống trả nên cứ điểm Morin không dứt điểm được.

Tấn công trực diện không thành, theo hiến kế, Ban chỉ huy Mặt trận Huế đồng ý dùng hỏa công tấn công bằng cách cho đốt rơm-ớt ở tầng dưới, khói xông lên tầng trên, địch sẽ bị sặc khói, bị ngạt, thừa cơ ta xông lên dùng đại đao, mã tấu tiêu diệt.

Rơm từ các vùng ven, ớt bột chủ yếu là từ các chợ được đưa về tập trung tại Tòa Khâm sứ cũ và dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ.

Đêm đến, bộ đội, tự vệ mang rơm vào chất ở sân Morin rồi trộn ớt bột vào… Lửa nổi, gió từ sông Hương tiếp sức nên cháy rừng rực. Quân ta reo hò, bắn súng uy hiếp tinh thần, làm cho binh sĩ Pháp ở tầng trên kêu la, giục nhau đóng cửa chính và mở toang các cánh cửa sổ.

Lợi dụng ánh lửa, thừa cơ địch ở trên cao tung lựu đạn, xả súng. Ta đánh giáp lá cà và mấy lần lên được tầng 2 nhưng đều bị đẩy xuống. Trước khi rút, ta chỉ kịp cho bom nổ giật phá cầu thang, chặn đường truy kích của giặc.

Sau trận rơm-ớt này, quân ta lại dùng xăng để tiếp tục “hỏa công” Morin. Nhưng thật oái ăm, khi vòi rồng bơm xăng từ Tòa Khâm sứ cũ sang thì từ tầng lầu địch phát hiện tổ chức bắn trả. Xăng bén lửa, máy cháy. Thấy đánh bằng cách này vẫn không hạ được Morin, cán bộ ta đề nghị khoan tường dùng dynamile - thuốc bắn ở các mỏ đá để giật. Bộ chỉ huy cho thực hiện. Đêm xuống, trong lúc quân ta khoan tường, nghe tiếng động, địch ở trên cao ném lựu đạn, xả súng. Quân ta bị thương vong, kế hoạch này cũng phá sản. Cách cuối cùng mà quân ta nghĩ tới là dùng bom để đánh Morin, bởi trước đó, nhờ dùng bom mà ta đã đánh sập nhà Marbeuf và tấn công L’accueil, nhà La Greve. Một quả bom nặng 500 kg được đưa đến, nhưng vì bom nặng, địch bắn xối xả, thương vong nhiều nên đến bậc thềm thứ 3 thì đành bỏ lại. Mấy ngày sau công binh lén lắp ngòi nổ nhưng chỉ giật sập góc mái nhà Morin. Tuy việc đánh Morin không thành nhưng đã gieo rắc nổi kinh hoàng cho quân xâm lược Pháp...

Trong báo cáo gửi Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Khu trưởng Chiến khu IV cho biết diễn tiến của Mặt trận Huế như sau: 3 giờ đêm 25/12/1946, với sự yểm trợ của trọng pháo, quân ta tiến công đốt phá Morin, chiếm trụ sở Thông tin tuyên truyền Trung bộ, Tòa Công chánh, Tòa báo Chiến sĩ, Sở Thủy lâm, Nhà Antiquites. Đến 7h, Pháp có phi cơ yểm trợ cho quân và xe bọc thép đánh ngã 5 Nông phố ngân hàng rồi tiến đến Trường Thuận Hóa thì bị 2 trung đội ta đánh lui về sau Garage le Croix. Pháp kéo đến đánh Thông tin tuyên truyền Trung bộ và Tòa Công chánh, dồn quân ta vào Tòa Công chánh để tiêu diệt.

Ông Lạc - cảm tử quân sống sót duy nhất thuật lại:

Khi cảm tử quân rút về Tòa Công chánh thì trời vừa sáng. Địch phát hiện, chúng bao vây. Trung đội trưởng Ngọc và Trung đội trưởng Tôn Thất Xuân tổ chức anh em cầm cự, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Bọn chúng hết đạn, máy bay thả dù. Dù rơi trước sân nhà Morin, chúng cho quân ra lấy đã bị xạ thủ Lê Văn Minh bắn tỉa diệt nhiều tên. Liên tiếp sau đó, địch lại phản công. Quân ta và chúng đánh giáp lá cà. Chiến sĩ bị bắt, dùng dao găm hoặc lựu đạn tự sát. Đến 14 giờ, vì hết đạn nên tất cả chấp nhận hy sinh, quyết không để sa vào tay giặc.

Sau cái chết của hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Vệ Quốc quân ở Sở Công chánh (nay là Bảo tàng Huế) chừng một tuần sau, 17 cảm tử quân khác tiếp tục hy sinh khi cố thủ ở nhà tên mật thám Sogny (nay ở đường Hà Nội). Trong số này có Đại đội trưởng Lê Ngọc Hoàng, Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao, Chính trị viên Trung đội Vĩnh Tập và Trung đội phó Phùng Huấn.

Đầu tháng giêng năm 1947, sau khi tấn công vào nhà hàng Chaffanjon, khi rút qua gần nhà mật thám Sogny thì bị địch chặn đánh. Kể về sự kiện này, cựu Liên lạc viên Mặt trận Huế, nhà văn Phùng Quán cho biết:

Trận “cảm tử” vào nhà hàng Chaffan-jon không kết quả vì lưới lửa phòng thủ của giặc quá dày đặc. Ba giờ sáng, trung đội anh Ngọc vừa rút đến ngôi lầu cạnh nhà tên trùm mật thám Sogny thì bị bọn địch vây chặt, trong khi các đơn vị khác quanh khu vực đã rút hết. Trời hừng sáng, tiếng súng vang lên dồn dập dưới tầng 1 ngôi lầu 2 tầng. Mười giờ sáng, tiếng súng bắt đầu vang dội ở tầng trên ngôi lầu. Như thế, hẳn là bọn địch đã chiếm được tầng dưới, các chiến sĩ ta phải rút lên tầng trên cố thủ. Đạn súng máy các cỡ, rồi đạn các loại súng cầu vồng xối xả nhắm vào tầng lầu... Đến ba giờ rưỡi chiều, tiếng súng chống trả vẫn tiếp tục vang lên trong tầng lầu. Như vậy là các anh còn đứng vững. Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu truyền lệnh khắp mặt trận: Các đơn vị sẵn sàng xuất kích lúc mặt trời lặn. Nhưng bọn giặc dã man đã đưa hai xe cứu hỏa chở đầy xăng phun như tắm cả ngôi lầu. Rồi tiếng loa cực lớn vang lên: “Chúng mày hãy hàng đi! Ném tất cả vũ khí xuống sân!... Không hàng, tất cả sẽ bị thiêu ra tro!...” . Thay cho câu trả lời là tiếng súng đồng loạt vang lên từ tầng lầu và sau những tràng đạn lửa của địch bắn vào, ngọn lửa xăng vàng khè bùng lên, ngày một lan rộng, bốc cao phủ kín ngôi nhà. Rồi bất ngờ, cả ngôi lầu phủ lửa bỗng sụm xuống trong tiếng nổ rung chuyển cả mặt trận. Thế là các anh đã cho nổ hai khối mìn mang theo chưa kịp dùng khi tấn công nhà hàng Chaffanjon, biến vị trí cố thủ thành nấm huyệt chôn chung...

Những cái chết hóa thành bất tử!

Phạm Hữu Thu

Kỳ 3: Phú Lộc chặn đà tiến quân Pháp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội

Đông đảo các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, các bạn trẻ trên địa bàn TP. Huế đã đến xem các bộ phim điện ảnh, tài liệu xoay quanh đề tài quân đội và người lính trong đợt phim Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội
Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 16.12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Return to top