Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyền công dân. Ảnh: Tư liệu
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Người yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải lấy dân làm gốc, Nhân dân là người chủ đất nước, thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, bởi vì “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”.
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người công dân số một của Việt Nam đã luôn thực hiện nhiệm vụ bầu cử của mình với một tinh thần, trách nhiệm cao, Người khẳng định “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng Nhân dân thật sự làm chủ nước nhà” hay “Lá phiếu của cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thực sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.
Trong suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, Người đã tham gia bầu cử Quốc hội khóa I (6/1/1946); Quốc hội khóa II (ngày 8/5/1960), khóa III (ngày 26/4/1964); bầu cử Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa II (ngày 26/3/1961), khóa III (ngày 25/4/1965), khóa IV (ngày 28/4/1968); bầu cử Hội đồng Nhân dân khu phố Ba Đình khóa IV (ngày 23/4/1967) và lần cuối cùng là bầu cử Hội đồng Nhân dân khu phố khóa V (ngày 27/4/1969).
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế hiện còn lưu giữ một số hình ảnh về thẻ cử tri của Bác Hồ. Trong đó, có những tấm thẻ đặc biệt gắn liền với câu chuyện về những lần đi bầu cử của Người.
Tấm thẻ cử tri số 577, cấp ngày 15/4/1965 để bầu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 25/4/1965. Trên tấm thẻ cử tri này có hai điều đặc biệt, con dấu đóng ngày bầu cử bị ngược và chữ ký Hồ Chí Minh có nét cuối cùng kéo xuống. Để lý giải những điều đặc biệt ấy, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Người) đã kể lại: Đúng 6 giờ 30 phút, ngày chủ nhật, 25/4/1965, Bác Hồ đã đến điểm bầu cử tại quận Ba Đình (Hà Nội) để bỏ phiếu bầu Hội đồng Nhân dân thành phố. Đến nơi, Bác vui vẻ chào và nói với mọi người hãy cùng Bác làm tốt quyền lợi và nghĩa vụ của một người công dân.
Sau đó, Bác tới dãy bàn của nhân viên bầu cử làm việc, trình Thẻ cử tri. Chị cán bộ trẻ rất phấn khởi, cảm động được đóng dấu ghi ngày bầu cử vào Thẻ cử tri của Bác và chăm chú nhìn Bác cầm bút ký.
Một tấm thẻ cử tri còn nguyên vẹn được lưu giữ
Một điều rất nhỏ nhưng làm chị suy nghĩ và nhớ mãi. Đó là khi Bác ký tên, nét chữ ký cuối cùng của Bác sát vào con dấu vuông của Ủy ban hành chính khu Ba Đình thì Bác vội ngoặt xuống không để chữ ký đè lên trên dấu.
Chị cán bộ kính cẩn đứng dậy trao lại tấm Thẻ cử tri cho Bác. Bác cảm ơn và thân mật nói: Sao cháu lại đóng dấu ngược thế này?
Thì ra trong lúc mải nhìn Bác, chị đã cầm dấu ngược đóng vào Thẻ cử tri. Bác và mọi người nhìn vào chiếc thẻ có đóng dấu ngày 25/4 ngược đều cười. Không khí nơi bầu cử thêm rộn ràng, niềm vui tràn ngập. Tiếp đó, Bác sang bàn bên nhận phiếu và ngồi vào bàn dành cho cử tri, chăm chú đọc tên từng người ứng cử, suy nghĩ và lựa chọn những người xứng đáng.
Tấm thẻ cử tri đề ngày 18/4/1969 để bầu cử Hội đồng Nhân dân khu phố Ba Đình khóa V vào ngày 27/4/1969 là tấm thẻ cử tri cuối cùng của Người. Lúc này, sức khỏe của Người đã yếu, nhưng từ 7 giờ sáng, Người đã đi bỏ phiếu, thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội, đặt tại Nhà thuyền Hồ Tây”.
Trong lần bầu cử cuối cùng này của Người đã để lại một câu chuyện lý thú mà ngày nay trở thành một trong những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Khi Bác Hồ đến, trong Nhà thuyền đã có nhiều cử tri đang bỏ phiếu. Tổ bầu cử thấy Bác đến, ra hiệu để đồng bào tạm dừng và tạo “điều kiện” để Bác bỏ phiếu trước. Biết ý, Bác nói “sòng phẳng”:
- Ai đến trước, viết trước, Bác đến sau, Bác chờ. Bác chờ cho đến hàng mình, mới nhận phiếu và vào “buồng” phiếu.
Nhà báo Ma Cường chợt nghĩ thật là “hạnh phúc một đời của người làm báo”, “cơ hội ngàn năm có một” và vội giơ máy lên bấm, rất nhanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tay che phiếu lại, nói với Ma Cường:
- Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải bảo đảm tự do và bí mật cho công dân.
Nhà báo buông máy, nhưng vẫn thấy hạnh phúc.
Theo lời kể của các đồng chí ở gần Bác, trước khi đi bầu cử, Bác không cho ai “gợi ý” cả, Bác nói:
- Ấy, đừng có “lãnh đạo” Bác nhé. Bác không biết đảng uỷ hướng dẫn danh sách để ai, xoá ai đâu nhé. Đưa lý lịch của những người ứng cử đây để Bác xem. Có chú nào dự buổi ứng cử viên trình bày ý kiến với cử tri, nói lại để Bác cân nhắc, Bác tự bầu”.
Ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV đang tới gần, những lời dạy và tấm gương sáng của Người trong việc bầu cử, bỏ phiếu, chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho Nhân dân, chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân đối với sự phát triển của đất nước.
HOÀNG LIÊN