ClockThứ Tư, 02/10/2013 05:26

Hướng đến việc xã hội hoá trong đầu tư ở khu vực nông thôn

TTH - Đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; tăng thêm nguồn lực cho khu vực nông thôn bằng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cấp và thông tuyến hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng; thực hiện các chính sách đặc thù dựa trên đặc thù của từng vùng miền; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình, dự án khoa học công nghệ, khuyến nông, lâm ngư; lồng ghép nguồn kinh phí giảm nghèo của chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác của các địa phương, các tổ chức, cá nhân; thu hút nguồn vốn FDI, chuyển lao động nông thôn sang lao động công nghiệp...là những dấu ấn quan trọng mà Thừa Thiên Huế đã thực hiện trong nhiều năm qua.  

Ghi nhận rõ nhất về thành tựu này chính là ở sự thay đổi về đời sống của người dân. Thu nhập thực tế ở khu vực nông thôn tương đương với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh (loại trừ yếu tố tăng giá) là đánh giá mới nhất dựa trên báo cáo tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn, thuỷ sản. Vốn tích luỹ bình quân mỗi hộ nông thôn năm 2011 đạt 15,2 triệu đồng, tăng 52% so với năm 2006. Nghĩa là tăng bình quân mỗi năm 8,6%. Một con số khác cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm mỗi năm bình quân 3%. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên hiện đạt 81%.

 

Trong xu thế của sự phát triển, khu vực nông thôn vẫn đang tiếp tục được quan tâm và tập trung mọi nguồn lực để phát triển thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Sự chuyển biến và thay đổi sẽ đến từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp; sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề gắn với quá trình đô thị hoá trong mối tương quan với bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn nguyên nguyên liệu và nhân công tại chỗ. Bên cạnh đó là việc khuyến khích, vận động đầu tư vào các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ sạch, hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu...

 

Tuy nhiên, trong hướng phát triển, việc đầu tư cho cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật ở khu vực này phần lớn vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Thế nên khó có thể tạo được một chuyển động đều và bền vững. “Xã hội hoá đầu tư trong khu vực nông thôn là điều cần phải thay đổi, nhất là trong nhận thức, khi nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp là rất lớn và chưa được huy động đáng kể. Đây là điều cần phải được thay đổi” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao trao đổi tại hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 13.

 

Việc huy động tốt mọi nguồn lực cho xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn cũng là một trong những giải pháp lớn đã được xác định để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Sự đầu tư của một số dự án FDI, sự phát triển của một số trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản hiện có mới chỉ là sự khởi động ban đầu. Cơ chế đã rõ, hiệu quả đã có, vấn đề có lẽ là nằm ở sự dấn thân và tinh thần dám làm của những người nắm giữ các nguồn lực...

Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên (1953 - 1954)

Giữa năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng thuận lợi cho ta hơn. Quân ta liên tiếp giành chiến thắng ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… dồn địch vào thế bị động. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở khắp các vùng miền, vùng giải phóng được mở rộng thêm.

Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên 1953 - 1954
Return to top