Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Ảnh: TL
Cứ vào dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), các tổ chức phản động hải ngoại và những “nhà dân chủ” chống đối lại có những hoạt động nhằm xuyên tạc ý nghĩa của thắng lợi đó.
Lý Thái Hùng với danh nghĩa tự xưng là “Tổng bí thư” của tổ chức Việt Tân gần đây còn hô hào biến ngày 30/4 thành “Tinh thần quốc kháng” để khôi phục cái chế độ “Đệ tam cộng hòa”. Đến như Cù Huy Hà Vũ đã từng bị tòa án xử về tội gây chia rẽ, bóp méo sự nghiệp thống nhất đất nước, khi bị trục xuất sang Mỹ còn hậm hực bạo miệng lên tiếng: “Chế độ Cộng sản sụp đổ người Việt mới có hòa giải, hòa hợp”. Là con của một cán bộ lãnh đạo tiền khởi nghĩa, Vũ tự vứt bỏ truyền thống gia đình, trở thành kẻ chống đối, thì những phát ngôn kiểu như vậy không có gì xa lạ.
Gần đây, một số tổ chức phản động ở Mỹ đã bày ra các cuộc tọa đàm, ra mắt tổ chức, biểu tình mà theo chúng là để tìm con đường “phục quốc”. Tháng 8/2018, tổ chức “Tập hợp dân chủ cho Việt Nam” tập hợp một cuộc hội thảo “Nhìn lại chiến tranh Việt Nam”, đã đưa ra một số luận điểm, ý kiến biện hộ cho thất bại của chính quyền Sài Gòn... Một số lợi dụng mạng xã hội để liên tục đưa lên những hình ảnh gọi là đấu tranh vì tự do, phản đối chế độ độc đảng ở Việt Nam. Trớ trêu thay đó chỉ là những kẻ không có công ăn việc làm, sống nhờ bảo hiểm xã hội, dựa hơi các tổ chức để nhận ít đồng đô la trợ cấp.
Trong khi đó, những người am hiểu chính trị tiếp tục có những nhận định, đánh giá khách quan hơn về Việt Nam. Ông Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ đã viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ... dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản Việt Nam”. Ông Henry Kissinger là người trực tiếp đàm phán Hiệp định Paris, đối mặt với những người đại diện tài ba của Việt Nam và hiểu rõ lịch sử đã viết lên điều đó.
Có những người bên kia chiến tuyến sau này đã thừa nhận thất bại, ghi nhận chiến thắng của dân tộc và công lao to lớn của những người cộng sản. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Có, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa khi trả lời Báo Pháp luật ở TP. Hồ Chí Minh đã nói: “Chiến thắng 30/4 rất vĩ đại, là sức mạnh chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam”. Ngay cả cựu Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ khi trả lời báo chí nước ngoài cũng đã nói lên sự thật: “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ của mỗi người con Việt Nam nhưng chúng tôi không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử...Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà phục quốc?”. Những người Mỹ đương đại am hiểu chính trị luôn nhìn nhận lịch sử cuộc chiến tranh ở Việt Nam với sự tôn trọng thực sự và khuyến cáo các chính khách của họ cần rút bài học để xử sự trong tương lai.
Đáng tiếc là có những kẻ không hiểu rõ nguồn cội, nặng tư tưởng hận thù đã xuyên tạc với mục đích chống Nhà nước lại phủ nhận công lao của Đảng và toàn dân ta. Họ không những đi ngược lại tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” mà còn phơi bày bộ mặt yêu nước giả dối.
Về giá trị chiến thắng 30/4, báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: “Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhắc lại chiến thắng 30/4 là dịp chúng ta ôn lại lịch sử để tự hào và chung sức bảo vệ thành quả có được như ngày hôm nay.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH