ClockThứ Bảy, 15/06/2024 14:50

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng

Sáng 15/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểmTriển khai Đề án 06 là “điểm sáng” của chuyển đổi sốThủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động thiết thực, khăng khít, hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.(Ảnh: Trần Hải) 

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực xi-măng, sắt thép. Hội nghị được truyền trực tuyến tới trụ sở ủy ban nhân dân 32 tỉnh, thành phố trên cả nước có liên quan ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn... Phát triển bền vững ngành xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Với các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; sự tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc trong 10 năm gần đây, cụ thể: xi-măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500 nghìn tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Gạch ốp lát đã được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD). Sứ vệ sinh đã được đầu tư với tổng công suất đạt 26 triệu sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 25 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). 

Kính đã được đầu tư với tổng công suất đạt 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 50 nghìn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Vật liệu xây không nung (VLXKN) đã đầu tư với tổng công suất đạt 12 tỷ viên/năm (viên quy tiêu chuẩn). Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD). Ngành thép (giai đoạn 2011-2022) có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân đạt 14,25%). Sản lượng thép năm 2022 tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Đặc biệt giai đoạn 2016-2022, ngành thép đạt tốc độ tăng trưởng rất cao với mức bình quân 27,11%/năm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm, cụ thể: xi-măng và clinker: Tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn; dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Thép xây dựng: Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022) .

Thủ tướng nêu rõ, sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng hiện nay rất khó khăn; tình hình này kéo dài lâu nay, chưa có giải pháp đột phá. Do đó Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị này để đánh giá, xem xét lại nguyên nhân. Chúng ta có thể thấy đứt gẫy chuỗi cung ứng do khó khăn trong nước, từ đó sản xuất, tổng cầu giảm, như khó khăn bất động sản, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vật liệu xây dựng khó khăn, đầu tư công chưa tăng mạnh.

Thủ tướng đặt vấn đề tổng cầu giảm, thêm nữa chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề nhập khẩu…; do đó, cần tìm ra nguyên nhân, giải pháp phù hợp, đột phá, có thể là là giải pháp phòng vệ theo đúng cam kết quốc tế; đó là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xây dựng các công trình tiêu thụ mạnh vật liệu xây dựng trong nước; đó là đề ra các cơ chế, chính sách để khuyến khích như giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá vật liệu xây dựng…

Thủ tướng đề nghị cần suy nghĩ, thay đổi cách làm, để có các giải pháp đột phá với tinh thần khó mấy cũng phải làm, theo đó có thể cần phải có sự can thiệp của Nhà nước trong hoàn cảnh khó khăn, điều này được thực hiện theo đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phải thay đổi phương thức, cách làm; chuyển hướng vào phát triển nhà ở xã hội, phát triển nông thôn. Muốn vậy phải là chính sách do chúng ta đề ra. Vấn đề là phải có cơ chế, chính sách thông thoáng, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cách tiếp cận linh hoạt.

Thủ tướng cho rằng hiện nay có tình trạng có bộ, ngành, cơ quan, địa phương xử lý các vấn đề hết sức cứng nhắc, phức tạp hoá vấn đề… Điều đó đặt ra phải có các cơ chế, chính sách phù hợp; cần thiết tăng tổng cầu trong nước, vì hiện nay, lượng xi-măng, sắt thép dôi dư, trong khi các công trình, hạ tầng chiến lược, nhà ở rất cần vật liệu xây dựng.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, “đúng, trúng”, tìm ra bài học kinh nghiệm để đề ra giải pháp thời gian tới với việc tổ chức thực hiện, đề ra cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng, từ đó có thể tạo ra việc làm trong nước, tăng tổng cầu… 

* Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng (vật liệu xây dựng) chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi-măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m² kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn). Trong đó, sản lượng xi-măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành vật liệu xây dựng chưa bao gồm thép xây dựng ước đạt khoảng 600.000 tỷ đồng (tương đương hơn 24 tỷ USD), chiếm gần 6% GDP quốc gia.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong xây dựng ở nước ta vẫn còn rất lớn vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn chưa phát triển hoàn thiện, trong khi mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa quốc gia đến năm 2050 là 70-75% và diện tích sàn xây dựng hàng năm cần tăng tối thiểu hơn 20 triệu m2; đồng thời còn phục vụ nhu cầu về xây dựng các công trình biển và hải đảo quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, các cơ sở vật chất, phát triển kinh tế biển đảo, gắn với giữ gìn và bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

So với quốc tế, tỷ lệ sử dụng xi-măng của nước ta hiện nay trên đầu người còn thấp, mới đạt khoảng 600 kg/người/năm, trong khi Trung Quốc là hơn 1.500 kg/người/năm, Hàn Quốc là hơn 1.000 kg/người/năm.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 32 tỉnh, thành phố trên cả nước có liên quan lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. (Ảnh: TRẦN HẢI) 

Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, đối với ngành xi-măng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi-măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm (trong đó, có 4 dây chuyền với tổng công suất 11,4 triệu tấn xi-măng/năm đã đầu tư xong nhưng chưa đưa vào vận hành, do không tiêu thụ được sản phẩm).

Các dây chuyền đầu tư từ năm 2011 đến nay đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, có những dây chuyền sản xuất xi-măng hiện đại nhất trên thế giới như dây chuyền 2 và dây chuyển 3 nhà máy xi-măng Xuân Thành, tỉnh Hà Nam.

Số lượng đầu tư các nhà máy xi-măng theo thời gian cho thấy: đến năm 2010, cả nước đã đầu tư 59 dây chuyền với tổng công suất thiết kế 62,56 triệu tấn/năm, trong đó có 29 dây chuyền có công suất nhỏ từ 0,25-0,65 triệu tấn/năm, 13 dây chuyền công suất từ 0,75-0,91 triệu tấn/năm.

Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 cả nước đã đầu tư được 26 dây chuyền, với tổng công suất 41,48 triệu tấn/năm, nâng tổng số dây chuyền đến năm 2020 của cả nước là 85 dây chuyền, với tổng công suất thiết kế là 104,04 triệu tấn/năm.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước đã đầu tư được 7 dây chuyền, với tổng công suất thiết kế là 18,3 triệu tấn/năm. Suất vốn đầu tư trung bình giai đoạn này khoảng 2.500.000-3.700.000 đồng/tấn tùy theo thiết bị đồng bộ của các nước. 

Tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy xi-măng là rất lớn, với tổng công suất thiết kế 122,34 triệu tấn xi-măng/năm, tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy xi-măng ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Trong đó, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn nhà nước chiếm khoảng 75% tổng mức đầu tư này.

Về sản xuất clinker và xi-măng: trong 10 năm vừa qua (từ năm 2014 đến năm 2023), sản lượng sản xuất clinker và xi-măng nhìn chung đều tăng. Trong đó, sản xuất clinker và xi-măng năm 2021 đạt đỉnh (110,4 triệu tấn).

Từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi-măng sụt giảm nghiêm trọng. Tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế.

Trong năm 2023, có 42 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất khoảng 1 đến 6 tháng, trong đó một số dây chuyển phải dừng cả năm (tương ứng công suất phải dừng hoạt động khoảng 30% tổng công suất thiết kế của cả nước).

Năm 2024, dự kiến đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng sản xuất clinker và xi-măng toàn quốc đạt khoảng 44 triệu tấn xi-măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và các nhà máy cũng dự kiến chỉ đạt khoảng 70-75% tổng công suất thiết kế (trước năm 2022, các nhà máy thường vận hành trên 85%, thậm chí có những năm trên 95% công suất thiết kế). Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn.

Các nhà máy sản xuất xi-măng ở nước ta đã sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm xi-măng phục vụ xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, đồng thời đã sản xuất được các loại xi-măng chất lượng cao, rắn nhanh, chịu nhiệt, chịu lửa, bền môi trường biển, xi-măng giếng khoan phục vụ khai thác dầu khí,.... 

Về kinh doanh: trong 10 năm vừa qua (từ năm 2014 đến năm 2023) tổng sản lượng clinker và xi-măng tiêu thụ hàng năm nhìn chung đều tăng, cao nhất là năm 2022 toàn ngành tiêu thụ đạt 108,4 triệu tấn. Từ năm 2023 đến nay, tiêu thụ clinker và xi-măng đều sụt giảm nghiêm trọng. Tổng sản lượng tiêu thụ năm cả 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Dự kiến, đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng tiêu thụ clinker và xi-măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Tiêu thụ trong nước chủ yếu là xi-măng, trong 10 năm qua nhìn chung đều tăng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiêu thụ rất thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 2,3%/năm, trong khi GDP quốc gia đều tăng bình quân khoảng 5 - 7%/năm.

Năm 2023, tiêu thụ xi-măng trong nước rất thấp, chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành xi-măng. Thị phần tiêu thụ xi-măng trong nước nhìn chung ít biến động, miền bắc chiếm khoảng 34-35%, miền nam khoảng 34-35%, miền trung và Tây Nguyên chiếm khoảng 30-31%. Giá bán xi-măng trong nước từ năm 2022 đến nay không tăng do cạnh tranh mạnh giữa các nhà máy sản xuất xi-măng, thậm chí có chiều hướng giảm, trung bình khoảng 1.400.000-1.600.000 đồng/tấn tại các khu vực đồng bằng và trung du tùy theo các thương hiệu xi-măng; khoảng 1.650.000-2.000.000 đồng/tấn tại các vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên…

Tiêu thụ xuất khẩu bao gồm 2 sản phẩm là clinker và xi-măng. Trong vòng 10 năm qua, sản lượng xuất khẩu clinker và xi-măng nhìn chung có tăng lên. Tuy nhiên, từ năm 2022 lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn, tổng lượng clinker xuất khẩu cả năm 2022 chỉ đạt 15,2 triệu tấn (bằng 52,9% năm 2021) và tiếp tục sụt giảm xuống 10,9 triệu tấn năm 2023 (bằng 71,7% năm 2022).

Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng clinker xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn. Tình hình sụt giảm xuất khẩu clinker như vậy là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất. Những năm 2019-2022, giá trị xuất khẩu clinker và xi-măng trung bình khoảng 1-1,3 tỷ USD/năm. Từ năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu clinker và xi-măng giảm sút do giá xuất khẩu bị giảm rất mạnh…

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động thiết thực, khăng khít, hiệu quả

Ngày 26/5, sau khi dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động thiết thực, khăng khít, hiệu quả
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nhất là vào tháng cao điểm tiêu thụ điện năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Return to top