Tham dự buổi làm việc có gần 50 DN lớn và DN có số lượng công nhân đông đóng trên địa bàn.
Ngành dệt may đang đối mặt nhiều khó khăn khi nguồn nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc
Doanh nghiệp đồng hành chống dịch
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, hầu hết các DN cho biết, công tác phòng chống dịch được DN thực hiện tốt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống dịch cũng như hướng dẫn người lao động đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đo thân nhiệt cho công nhân khi vào công ty để ngăn ngừa dịch bệnh... Một số DN vận động người lao động hoãn tổ chức tiệc cưới để tránh tụ tập đông người, dừng các hoạt động đi công tác nước ngoài để tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Tuy nhiên với diễn biến dịch bệnh kéo dài, nhiều DN lo ngại sẽ thiếu nguồn khẩu trang để cung cấp cho người lao động, mong muốn tỉnh hỗ trợ cho DN nguồn cung cấp khẩu trang để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch.
Chị Đặng Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty Scavi Huế chia sẻ, là DN có số lượng công nhân lớn, hơn ai hết, DN chúng tôi rất lo ngại việc trong DN có trường hợp người lao động bị nhiễm bệnh, vì vậy công tác phòng chống dịch luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Mong muốn tỉnh sẽ có những hỗ trợ để DN nắm được thông tin nhanh nhất về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn; hướng dẫn DN phương án nếu xảy ra trường hợp công nhân bị cách ly hay nhiễm bệnh.
Liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, DN đang sản xuất cầm chừng, vừa gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường đầu ra, phương tiện vận chuyển hàng hóa; nhiều DN đang gặp khó về lực lượng lao động giảm từ sau tết trở lại. Các DN lo lắng nếu dịch bệnh kéo dài thì có thể phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất, nhiều lao động có nguy cơ thất nghiệp, mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ về đóng bảo hiểm thất nghiệp cho DN.
Nhiều DN đang lo lắng về vốn, mong muốn có những gói tín dụng để khuyến khích vay và thúc đẩy dư nợ cho vay. Cùng với đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN bằng cách kéo dài thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn thời gian nộp thuế, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại cũng cần xem xét các gói vay ưu đãi cho DN để vực dậy hoạt động sau dịch bệnh.
Đại diện doanh nghiệp đề đạt nguyện vọng với chính quyền
Chung sức vượt qua khó khăn
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, sự phát triển của DN gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của của tỉnh. Đây là thời điểm cần phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn; đồng thời là lúc phát huy tinh thần chính quyền phục vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
"Tôi chia sẽ những khó khăn của cộng đồng DN đang gặp phải, đây cũng là khó khăn chung của toàn ngành kinh tế, tôi mong muốn dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để giảm áp lực cho DN. Tuy nhiên trong khó khăn thách thức, biết đâu chúng ta sẽ tìm ra những cơ hội mới, phải biết lạc quan để chờ đón tương lai tốt đẹp phía trước", Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các DN tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành y tế để chủ động các phương án khi có trường hợp xấu về dịch bệnh xảy ra trong DN. Tỉnh sẽ hỗ trợ các kênh thông tin nhanh nhất cho DN, hàng ngày đều có hai thông cáo báo chí được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Fanpage UBND tỉnh để mọi người được cập nhật tin tức về dịch bệnh. Đường dây nóng và các đội phản ứng nhanh luôn sẵn sàng để xử lý các thông tin một cách kịp thời nhất. Đề nghị các DN nêu cao tinh thần chủ động trong mọi tình huống, thực hiện tốt công tác phát hiện, cách ly kịp thời để ngăn chặt dịch bệnh lây lan.
Trước những kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho DN, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành, đơn vị liên quan cần sớm có giải pháp tham mưu UBND tỉnh, phải chủ động tìm đến để tìm hiểu và gỡ khó cho DN. Có chính sách kịp thời như khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời gian xảy ra dịch để DN vượt qua khó khăn và ổn địch phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai nhanh các chính sách của Trung ương về hỗ trợ DN để các DN sớm được tiếp cận, hạn chết thấp nhất các thiệt hại trong sản xuất kinh doanh...
Cần tăng cường tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị tăng sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các DN nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương… là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại hội nghị.
Bài, ảnh: Thái Sơn