ClockThứ Sáu, 01/06/2018 21:19

Quốc hội thảo luận sửa 13 luật liên quan Luật Quy hoạch

TTH - Sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch (tại 13 luật gồm: Luật Hóa chất; Luật Điện lực; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị).

Quốc hội cần giám sát việc hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núiĐoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri phường Thủy Dương

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 1/6.

Dự thảo Luật bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cho việc thực hiện các quy định có liên quan thống nhất với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, tránh việc tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.

Các đại biểu cho rằng, về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, việc sửa đổi cần phải rà soát kỹ lưỡng, không nên có sự thay đổi về chính sách ở các luật mà chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề để bảo đảm cho phù hợp với Luật Quy hoạch.

Về tên gọi của dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu cho rằng nên cân nhắc tên gọi của Luật sao cho ngắn gọn và dễ nhớ hơn vì cho rằng tên gọi của dự thảo Luật như hiện nay là quá dài.

Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tán thành với tên gọi là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị vì đã thể hiện trực tiếp được các luật cần bổ sung, sửa đổi, dễ theo dõi và phù hợp với thông lệ đặt tên của các dự án luật.

Tên gọi này cũng loại trừ được khả năng trùng lặp với tên gọi của dự án luật sẽ được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ sáu tới đây với cùng mục tiêu thống nhất với Luật Quy hoạch.

Với phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch. Đối với những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện thì cần báo cáo, giải trình với Quốc hội.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Chăn nuôi. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Ngoài ra, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Sau thảo luận, cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Hà Nội Mới

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua
Return to top