ClockThứ Hai, 06/08/2018 09:21
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII)

Sắp xếp hợp lý, hoạt động hiệu quả

TTH - Sở Y tế là đơn vị đi đầu trong việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh.

Cán bộ toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) của ĐảngTuyên truyền kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)Quán triệt nghị quyết Trung ương 6 khóa xii cho cán bộ công đoàn

Giảm đầu mối, quản lý đa ngành

Từ thực tế, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế nhận thấy, việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh là cần thiết, phù hợp. 

Lãnh đạo, cán bộ ngành Y tế tỉnh thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc

Sau nhiều lần rà soát, tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, Đảng ủy, Ban Giám đốc sở đã quyết định thành lập TTKSBT tỉnh trên cơ sở hợp nhất 5 trung tâm trực thuộc Sở Y tế, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng côn trùng và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh.

Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế Nguyễn Đắc Ngọc phân tích: “Sau khi hợp nhất các trung tâm thành một trung tâm đã thu gọn được nhiều đầu mối, khai thác tối đa và có hiệu quả về nhân lực, trang thiết bị”.

Ông Nguyễn Đắc Ngọc so sánh: “Khi chưa hợp nhất, mỗi trung tâm đều có 1 giám đốc và từ 1 đến 3 phó giám đốc. Về cơ cấu tổ chức, mỗi trung tâm có rất nhiều phòng chức năng và các khoa, phòng chuyên môn. Khi hợp nhất các trung tâm thành một trung tâm thì số giám đốc, phó giám đốc, phòng chức năng, khoa, phòng chuyên môn giảm đáng kể. Hiện TTKSBT tỉnh có 1 giám đốc và 3 phó giám đốc; 3 phòng chức năng; 15 khoa, phòng chuyên môn. Như vậy, Sở Y tế giảm được 4 đầu mối các đơn vị trực thuộc; giảm số lượng các khoa, phòng của 5 trung tâm từ 29 khoa, phòng xuống còn 18 khoa, phòng (giảm được 11 khoa, phòng). Ban giám đốc các trung tâm từ 14 người xuống còn 5 người, giảm 9 người; trưởng, phó khoa, phòng từ 58 người xuống còn 55 người, giảm 3 người”.

Về tổ chức bộ máy y tế cấp huyện, tuy ổn định nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là, tổ chức nhiều đầu mối, phân tán nguồn lực, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị y tế nên hiệu quả hoạt động không cao…Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế xác định, việc thành lập Trung tâm Y tế (TTYT) đa chức năng huyện, thành phố là cần thiết trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 9 TTYT và 9 Trung tâm DS - KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.378 công chức, viên chức y tế hợp đồng được bố trí công tác từ tuyến huyện đến xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 9 đơn vị TTYT huyện, thị xã, thành phố với 2.318 biên chế; 9 trung tâm DS - KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố với 60 biên chế. Quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế là, trên địa bàn có TTYT hoặc phòng khám đa khoa thì có thể bố trí trạm y tế làm nhiệm vụ dự phòng, không thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh. Ngoài ra, Đảng ủy, Ban Giám đốc sở cũng đã thực hiện giải thể 5 phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh hoạt động kém hiệu quả ở TP. Huế, Quảng Điền, Nam Đông, Phong Điền… để tiếp tục đánh giá, có phương án bố trí, sắp xếp lại phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.

“Mục tiêu của việc thành lập TTYT đa chức năng ở huyện, thị xã, thành phố không chỉ giảm các đầu mối, mà còn tăng cường việc quản lý, lãnh đạo đa ngành, đa lịch vực. Trung tâm này vừa làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh vừa làm công tác y tế dự phòng và dân số để huy động, sử dụng tốt nguồn lực, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Sau khi sáp nhập đã giảm được 9 đầu mối. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị tuyến huyện trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ giảm 12 người”, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng thông tin.

Tạo đồng thuận vì mục tiêu chung

Từ việc sắp xếp, sáp nhập, thành lập hai trung tâm trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế đúc rút kinh nghiệm là phải luôn bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh. Việc xây dựng đề án, triển khai thực hiện dựa trên cơ sở đồng thuận của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động. Trong đó, vai trò của tổ chức Đảng, người đứng đầu hết sức quan trọng.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng kiểm tra tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc phụ trách TTKSBT tỉnh chia sẻ: “Tâm tư của cán bộ từ cương vị này chuyển sang giữ cương vị khác khi sáp nhập là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là làm sao để ai cũng vui vẻ, ai cũng thấy trách nhiệm của mình để nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong công việc dù bất cứ vị trí, môi trường làm việc nào. Để sáp nhập các đơn vị trên, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và người đứng đầu đã rất tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp tình hình thực tiễn của từng đơn vị”.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Lê Tâm, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS vui vẻ cho biết: “Sau khi được sáp nhập vào TTKSBT tỉnh, tôi được bố trí giữ chức Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS của trung tâm. Tuy sáp nhập, nhưng về cơ bản chuyên môn vẫn không có gì thay đổi. Ở cương vị công tác nào, bản thân tôi cũng luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

“Sau khi sáp nhập các đơn vị vào TTYT huyện, thị xã, thành phố đã dôi dư các chức danh lãnh đạo. Ngoài làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là đội ngũ lãnh đạo, thì phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho họ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục giải quyết chế độ nghỉ hưu và tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ – CP của Chính phủ cho đối tượng dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả. Việc tinh giảm biên chế theo lộ trình đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% so với biên chế được giao”, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng khẳng định.

“Sở Y tế là một trong 6 đơn vị được Ban Tổ chức Tỉnh ủy chọn để Đoàn kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) gắn với thực hiện Kết luận số 64 - KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở". Qua kiểm tra cho thấy, Đảng ủy, Ban Giám đốc sở đã triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Kế hoạch của UBND tỉnh, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy... trên tinh thần đoàn kết, thống nhất và làm đúng quy trình, bài bản, đạt kết quả cao”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đoàn Thị Thanh Huyền đánh giá.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

BỘ MÁY, NHÂN SỰ TP. HUẾ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:
Tâm thế cho vận hội mới - Bài 1: Kiện toàn, sắp xếp “trung tâm đầu não”

Sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết hợp lý vấn đề nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương là vấn đề “đặc biệt quan tâm” của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong những lần làm việc với tỉnh về lộ trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Tâm thế cho vận hội mới - Bài 1 Kiện toàn, sắp xếp “trung tâm đầu não”
Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07

Chiều 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU, ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật Đảng trong Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2026 (Đề án 07).

Triển khai giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 07
Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi
Return to top