Lo chất lượng thiết bị
Ông Trần Văn Mậu (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) là chủ tàu cá số hiệu TTH-96040DS có công suất 460CV, làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu của ông được trang bị 3 bộ đàm, 2 máy icom, máy định vị GPS và máy dò cá có tổng giá trị khoảng 90 triệu đồng. Những thiết bị này được mua từ Đà Nẵng và mua lại ở Huế. “Liên lạc bằng icom có thể theo dõi được thông tin và diễn biến thời tiết. Nhưng, nếu đầu tư 1 cái thì khi xảy ra sự cố, máy hỏng sẽ mất thông tin liên lạc, do vậy tui đầu tư 2 máy cho chắc”, ông Mậu nói.
Kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc trước chuyến biển
Hầu hết các tàu cá hiện nay đều trang bị các thiết bị thông tin liên lạc như ông Mậu. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ NN&PTNT, các tàu cá sản xuất trên các vùng biển xa phải trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, gồm thiết bị định vị vệ tinh (GPS), máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB), thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF), phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin Cospas-Sarsat (EPIRB). Anh Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ thị trấn Thuận An cho biết: “Ngoài thiết bị định vị vệ tinh GPS, máy SSB được Nhà nước hỗ trợ, nhưng không tàu cá nào sử dụng. Các thiết bị còn lại nhiều tàu cá không trang bị đầy đủ, thường xuyên hư hỏng, nhất là những tàu có công suất nhỏ”.
Chất lượng và nguồn gốc xuất xứ các thiết bị cũng không rõ ràng. Anh Cường cho hay: “Sau khi hết mùa vụ, các thiết bị thường được ngư dân cất giữ, mùa vụ tiếp theo cứ thế mang ra sử dụng, ít người kiểm tra. Nhiều tàu cá khi vươn khơi thì thiết bị liên lạc bị hỏng. Khi mua các loại sản phẩm này, không phải người nào cũng am hiểu các thông số kỹ thuật”.
Ông Lê Chí Trung, Giám đốc Đài thông tin duyên hải Huế-Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam thừa nhận: “Các thiết bị theo Quyết định 48 của Chính phủ thì phải mua tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với Đài thông tin duyên hải Việt Nam. Việc ngư dân mua các thiết bị đã qua sử dụng khá phổ biến. Chất lượng thì tùy thuộc từng loại”.
Chưa có chế tài xử phạt
Tại Thừa Thiên Huế, Đài thông tin duyên hải Huế được phân công phụ trách từ vùng biển Thừa Thiên Huế đến hết vùng biển Quảng Bình; là cầu nối thông tin an toàn cho người dân trên biển. Ông Lê Chí Trung cho rằng: “Hiện nay, khi hoạt động trên biển, ngư dân vẫn còn giấu ngư trường đánh bắt, do vậy, việc phục vụ thông tin chủ yếu một chiều. Khi cấp bách ngư dân mới chủ động gọi về đất liền”.
Trực thông tin tại Đài thông tin duyên hải chi nhánh Huế
Theo ông Lê Chí Trung, ngư dân được Nhà nước hỗ trợ về các thiết bị thông tin liên lạc như, icom, phao cứu sinh, đèn tín hiệu. So với trước đây, người dân đã từng bước nâng cao ý thức về tầm quan trọng của các thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Trên địa bàn, ngoài Đài thông tin duyên hải Huế còn có hệ thống đài biên phòng phục vụ cho trạm gần bờ và ngành thủy sản trang bị trạm dùng công nghệ định vị GPS. “Các đài thông tin trên địa bàn phối hợp thông tin nhịp nhàng. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, chúng tôi truyền tải thông tin với mật độ 15 phút/phiên, đảm bảo 24/24. Ngư dân là đối tượng được đáp ứng nhiều luồng thông tin nhất trên biển và đài chúng tôi là một trong 3 cơ quan thông tin chính. So với các tàu cá tỉnh bạn, trang thiết bị liên lạc ở Huế không bằng. Tại Quảng Bình, ngư dân đã đầu tư điện thoại vệ tinh toàn cầu sử dụng công nghệ sóng vệ tinh Inmarsat và Isatphone 2 nhưng ở Huế chưa hề có”, ông Trung chia sẻ.
Ông Trung cho rằng, ngư dân thường vươn khơi đánh bắt theo nghiệp đoàn, tổ đội nên giúp đỡ nhau. Khi có sự cố thì liên lạc nhau cùng bổ sung các thiết bị còn thiếu. “Chất lượng thiết bị thì chúng tôi không có quyền kiểm định, chỉ khuyến cáo bà con sử dụng các mặt hàng có chất lượng, tùy theo chủng loại. Đối với tàu cá đánh bắt xa bờ thì khuyến cáo, ít nhất phải trang bị 1 icom hay phao cứu sinh… Nhà nước có quy định các trang thiết bị khi đánh bắt nhưng chưa có chế tài nào để xử phạt ngư dân chưa chấp hành”.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản tỉnh chia sẻ: “Vấn đề an toàn tàu cá là rất quan trọng. Tùy theo từng loại tàu thì có các quy định trang bị thông tin liên lạc khác nhau. Theo thời gian các thiết bị hư hỏng, phải thay thế. Chúng tôi đang hỗ trợ 15 máy bộ đàm tầm xa, 2 phao bè, 200 phao tròn cho ngư dân”.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Các tàu cá hàng năm thường được kiểm định các phương tiện thông tin liên lạc. Khi đăng ký sử dụng, các chủ tàu phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện này. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị biên phòng sẽ kiểm tra trực tiếp khi ra vào cửa biển. Sắp tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch rà soát lại các phương tiện thiết bị thông tin liên lạc phục vụ trên tàu”.
Lê Thọ