ClockThứ Sáu, 17/09/2021 14:26

Sống chung an toàn với dịch bệnh

Bắt đầu từ hôm qua (16/9), nhiều địa phương đang là tâm dịch như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách và cho phép hoạt động lại một số dịch vụ thiết yếu ở những “vùng xanh”. Đây là sự cụ thể quan điểm chống dịch có tính bước ngoặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố cuối tháng 8 vừa qua.

Theo Thủ tướng, chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. Việc nới lỏng được thực hiện trên cơ sở đánh giá kỹ, phải đảm bảo các yếu tố an toàn dịch bệnh và chỉ khi an toàn mới mở cửa.

Nhìn lại các đợt dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, phương án chống dịch của nước ta là phong tỏa, giãn cách trên diện rộng, triệt để thực hiện 5K ngăn dịch lây lan. Và nước ta đã thành công trong việc khống chế dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, được cộng đồng quốc tế khen ngợi.

Trong đợt dịch COVD-19 lần thứ tư này, với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh chóng, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Một số địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến 2-3 tháng; trong đó có 2 đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng một số tỉnh công nghiệp phát triển như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng… Điều này tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của hàng chục triệu người dân, hộ gia đình. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ”, khiến cho sức chịu đựng của doanh nghiệp bị đẩy đến giới hạn cuối cùng; gây ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhiều ngành kinh tế trong nước và xuất khẩu.

Để ứng phó với đợt dịch COVID-19 lần này, cách tiếp cận và các giải pháp chống dịch của nước ta cũng chủ động, sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả hơn. Ngoài chiến lược 5K giờ đây kết hợp thêm vắc-xin và công nghệ. Ngoại giao vắc-xin được ưu tiên; tốc độ tiêm chủng đẩy nhanh; nhiều ứng dụng công nghệ được áp dụng nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Đặc biệt, việc thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội cũng được cân nhắc kỹ, theo phương châm khoanh vùng hẹp, xét nghiệm thần tốc sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng để hạn chế tác động tiêu cực đến đời sống - xã hội, giảm áp lực cho Nhà nước và người dân.

 Điều này được Thừa Thiên Huế thực hiện khá hiệu quả và chủ động. Chẳng hạn, mới đây khi khu vực Bàu Vá (Phường Đúc, TP. Huế) xuất hiện ca F0, khu vực này lập tức bị phong tỏa, nhưng chỉ sau 1-2 ngày “chạy đua” triển khai test nhanh, không phát hiện ca dương tính, khu vực này đã được dỡ bỏ phong tỏa. Hay, khi ở Công ty Scavi xuất hiện ca F0, ngoài sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, công ty sẵn sàng triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” theo các hướng dẫn của tỉnh nên vẫn duy trì sản xuất…

Theo các chuyên gia, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc loại bỏ hoàn toàn COVID-19 là điều gần như không thể. Vì vậy, sống chung an toàn với dịch bệnh là giải pháp tích cực vừa đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của Nhân dân là trước hết, trên hết vừa khôi phục phát triển sản xuất, ổn định đời sống của người dân trong tình hình bình thường mới. Để sống chung an toàn với COVID-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vắc-xin, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc phòng, chống dịch. Thích ứng là điều chúng ta dần làm quen và càng chủ động thích ứng chúng ta càng giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với từng cá nhân và cả xã hội.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top