Giá bán lẻ điện đã chính thức được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng vào giữa tuần qua. Thông tin này tuy không mấy bất ngờ, song đã khiến không ít người dân và doanh nghiệp quan tâm, lo lắng.
Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Theo ước tính, mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành lâu nay.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Đây là động thái cần thiết khi giá than, khí để sản xuất điện đang tăng cao. Phân tích cho thấy, giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân trong khoảng từ 34,7 - 46,4%; giá than nhập khẩu cũng tăng mạnh so với năm 2021. Giá khí thị trường bình quân năm 2022 tăng 27,4% so với bình quân năm 2021... Trong khi cơ cấu nguồn điện phát từ nhiệt điện (than, khí) của chúng ta chiếm tỷ trọng cao với trên 60%... Điều này dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.
Theo tính toán của EVN, việc điện tăng giá 3%, đối với hộ dân sử dụng điện vừa phải thì ảnh hưởng không nhiều. Hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm của là 2.500 đồng/hộ; hộ tiêu thụ từ 100 kWh/tháng đến 400 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm dao động từ 5.100 đồng/hộ 27.200 đồng/hộ...
Như vậy, theo tính toán trên, hộ sử dụng điện càng nhiều thì mức trả tiền điện càng cao, nhất là các doanh nghiệp, chi phí điện luôn chiếm một phần lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này buộc các doanh nghiệp phải có những giải pháp về tiết kiệm điện như tổ chức lại sản xuất hợp lý, đầu tư công nghệ, máy móc, các thiết bị tiêu thụ ít điện năng; đồng thời, đầu tư xây dựng năng lượng tái tạo, lắp đặt điện mặt trời... nhằm hạn chế sử dụng điện lưới, duy trì giá thành sản phẩm ở mức độ hợp lý, để nâng sức cạnh tranh...
Tiết kiệm điện là một những giải pháp để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như ngành dệt may- một ngành sản xuất lớn hiện nay. Số liệu tại hội thảo: “Năng lượng tái tạo – Nguồn năng lượng sạch và bền vững cho ngành dệt may Việt Nam” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hồi năm ngoái cho thấy, tiêu thụ điện của ngành dệt may Việt Nam chiếm 1/10 trong tổng số năng lượng tiêu thụ của tất cả các ngành công nghiệp ở Việt Nam, với chi phí mỗi năm ở mức 3 tỷ USD. Nếu sử dụng điện hiệu quả, sử dụng các sản phẩm năng lượng tái tạo, ngành dệt may có thể tiết kiệm được 1 tỷ USD mỗi năm...
Sử dụng điện hiệu quả không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, hướng tới sản xuất xanh, bền vững, bảo vệ môi trường, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt như hiện nay.