ClockThứ Sáu, 28/05/2021 15:10

Sử dụng nguồn vốn hiệu quả

TTH - Đầu tư công là một lĩnh vực nhạy cảm, không chỉ sử dụng một nguồn vốn lớn mà còn liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.

Cắt giảm gần 1.500 dự án để ưu tiên đầu tư các dự án cấp thiết hơn, hiệu quả hơn… là thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan về việc cập nhật, bổ sung đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đầu tuần này.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ, cơ quan, địa phương đã rà soát, giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả. Số lượng dự án có thể tiếp tục giảm từ 6.447 dự án về mức 5.000 dự án cho 5 năm tới nhằm loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.

Đầu tư công là một lĩnh vực nhạy cảm, không chỉ sử dụng một nguồn vốn lớn mà còn liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Theo tâm lý thường tình, bộ, ngành, địa phương nào cũng muốn được ưu tiên đầu tư từ ngân sách Trung ương. Bởi các công trình, dự án sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tạo thuận lợi, cơ hội phát triển cho ngành, địa phương được đầu tư. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu đầu tư thế là sinh ra chuyện “chạy” dự án. Đã là “chạy” thì không thể là trong sáng, công bằng vì chẳng ai bỏ công sức làm việc không công, nếu không có những lợi ích nhất định. Mà lợi ích ở đây chưa hẳn đã là tiền bạc, có khi còn có những động cơ, lợi ích khác lớn hơn cả tiền bạc. Vì vậy, siết chặt đầu tư công, công khai minh bạch trong lựa chọn các dự án đầu tư là bước đi cần thiết để sử dụng nguồn lực của đất nước hiệu quả hơn, tránh dàn trải và chống tiêu cực trong chạy dự án.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời quan tâm, chú trọng các dự án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân... Đó là qua điểm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành ngày 23/5.

Tại Thừa Thiên Huế, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mở rộng đô thị Huế sẽ cần rất nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trung và dài hạn để hoàn thiện hạ tầng, kết nối nội vùng, liên vùng… Ngoài nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh dành nguồn lực lớn để đầu tư các công trình cấp thiết, tạo sự lan tỏa rộng.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn từ nguồn ngân sách tỉnh quản lý là 3.127 tỷ đồng, tập trung đầu tư các DA chuyển tiếp như: hạ tầng khu đô thị An Vân Dương; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ; kè chống sạt lở bờ sông Tả Trạch; đường Chợ Mai - Tân Mỹ…

Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, tháng 12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 28/CT-UBND yêu cầu các sở, ngành khẩn trương thể chế hóa, hướng dẫn thực hiện các văn bản mới của Trung ương về quản lý đầu tư xây dựng để triển khai đảm bảo quy định; kịp thời hướng dẫn cho các địa phương, chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc, phát sinh liên quan trong quá trình thực hiện dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế hỗ trợ tối đa quá trình thực hiện các dự án triển khai trên địa bàn, nhất là tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư (vốn NSNN và vốn ODA) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top