ClockThứ Năm, 26/10/2017 14:24

Sửa luật theo hướng ngăn ngừa phát sinh các tổ chức tín dụng yếu kém

TTH.VN - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận vào sáng 26/10. Ông Nguyễn Chí Tài, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế có bài phát biểu tại hội trường.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 26/10 tại hội trường

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Chí Tài nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD nhằm xử lý một số vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay như ngăn ngừa sự phát sinh của các TCTD yếu kém; đồng thời đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến kiểm soát đặc biệt và phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, cũng như các quy định pháp luật có liên quan.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, ông Nguyễn Chí Tài tham gia góp ý vào 5 vấn đề:

Quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Kiểm soát đặc biệt

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Nguyễn Chí Tài phát biểu tại hội trường

Tại khoản 3 điều 146a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD quy định thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước được “Chỉ định người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”, việc quản lý, điều hành tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là vấn đề rất vất vả và khó khăn. Trong thực tế có thể phát sinh các trường hợp như: Người được chỉ định không chấp hành theo chỉ định; TCTD được kiểm soát đặc biệt không còn nhân sự để chỉ định hoặc nhân sự không đáp ứng yêu cầu để chỉ định; Ngân hàng Nhà nước chỉ định người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt mà tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không đảm bảo khả năng tài chính để duy trì bộ máy và chi trả lương, phụ cấp khác cho người được chỉ định.

Đại biểu Nguyễn Chí Tài đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định trong dự thảo luật chế tài áp dụng khi người được chỉ định không thực hiện theo chỉ định, khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không còn nhân sự hoặc nhân sự không đáp ứng yêu cầu để chỉ định và có điều khoản quy định cụ thể trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước chỉ định người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt mà TCTD được kiểm soát đặc biệt không đảm bảo khả năng tài chính để duy trì bộ máy và chi trả lương, phụ cấp khác cho người được chỉ định.

Tại Điểm b, khoản 2, điều 145a  “Thành phần, số lượng, cơ cấu, cơ chế của Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”. Tuy nhiên, Quỹ tín dụng Nhân dân là tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức hợp tác xã, việc thành lập Quỹ tín dụng Nhân dân theo ý kiến đề xuất của chính quyền địa phương, do đó trong trường hợp Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là Quỹ tín dụng Nhân dân, thành phần Ban kiểm soát đặc biệt cần thiết phải có nhân sự của chính quyền địa phương.

Với việc có nhân sự của chính quyền địa phương trong thành phần Ban kiểm soát đặc biệt sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát, hỗ trợ Quỹ tín dụng Nhân dân.

Chính vì vậy, đại biểu đề xuất bổ sung “Trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là Quỹ tín dụng Nhân dân thì thành phần ban kiểm soát đặc biệt phải có nhân sự của chính quyền địa phương”.

Ngăn ngừa phát sinh các TCTD yếu kém

Quỹ tín dụng Nhân dân là tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các TCTD và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Do đó trong trường hợp sáp nhập Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là Quỹ tín dụng Nhân dân vào ngân hàng thương mại sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định về việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp. Riêng trường hợp này, đại biểu Nguyễn Chí Tài đề xuất cần làm rõ và bổ sung quy định tại Điều 149 về chuyển nhượng cổ phần, vốn góp đối với việc sáp nhập Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là Qũy tín dụng Nhân dân vào ngân hàng thương mại.

Tại Mục 1đ, chỉ quy định "Phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt”, tuy nhiên trong thực tế, có nhiều tổ chức Quỹ tín dụng Nhân dân hoạt động rất khó khăn, cần có giải pháp để cơ cấu lại. Chính vì vậy, đại biểu đề xuất bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc đối với Quỹ tín dụng Nhân dân được kiểm soát đặc biệt.

Tại khoản 31 Điều 4 Luật Các TCTD có quy định: “Người quản lý tổ chức tín dụng bao gồm Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên,..". Tức là có phân biệt giữa Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên.

Vì vậy, Luật sửa đổi lần này cần bổ sung thêm quy định để làm rõ vai trò và trách nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát tại các điều khoản có quy định đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát.

Cụ thể, tại Luật Các TCTD: Điều 33 (Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ), Điều 35 (Đương nhiên mất tư cách), Điều 39 (Trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan), Điều 50 (Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng), Điều 52 (Các loại cổ phần, cổ đông), Điều 56 (Chào bán và chuyển nhượng cổ phần), Điều 126 (Những trường hợp không được cấp tín dụng) chỉ quy định đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên mà không quy định đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Thái Bình- Quốc Vương (lược ghi)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế

Ngày 30/11, Hội đồng Lâm thời (HĐLT) họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Đại hội đại biểu họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để đánh giá, nhìn lại những đóng góp, cống hiến của dòng tộc.

Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Return to top