Đó là, hiện tượng thông đồng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” trong bán ĐGTS là thủ đoạn hết sức tinh vi khiến hầu hết người tham gia bị lừa và không mua được tài sản, còn thiệt hại của người có tài sản bán đấu giá rất lớn. Không ít trường hợp “băng nhóm, đầu gấu, xã hội đen” khống chế, đe dọa người tham gia ĐGTS. Trường hợp khác cũng không phải là hạn hữu, công chứng viên ký vào hợp đồng bán ĐGTS trước khi phiên đấu giá kết thúc. Hoặc, chấp hành viên vừa ký quyết định giải tỏa kê biên tài sản để mang ra bán ĐGTS thì người phải thi hành án đã bán tài sản và đến tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan đăng ký nhà đất để làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng và thậm chí tài sản được bán qua nhiều chủ. Sau khi người trúng đấu giá từ chối mua tài sản, người có giá kế tiếp lại không được trúng hoặc từ chối mua, tổ chức bán đấu giá phải tổ chức đấu giá lại. Có muôn ngàn lý do để lý giải việc người trúng đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản, hoàn thành mọi nghĩa vụ trong hợp đồng bán ĐGTS, nhưng lại không được nhận tài sản.
Còn đối với công tác bán ĐGTS ở Thừa Thiên Huế thì sao? “Năm qua, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá, phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương. Các tổ chức bán ĐGTS tổ chức gần 400 phiên bán đấu giá, thu hơn 400 tỷ đồng (vượt so với giá khởi điểm hơn 40 tỷ đồng) - ông Dương Quang Tương, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết. Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 33/2010/CT-UBND của UBND tỉnh thực hiện nghị định nói trên của Chính phủ, công tác bán ĐGTS từng bước đi vào nền nếp, hướng tới chuyên nghiệp hóa, góp phần phục vụ nhu cầu bán ĐGTS của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, tăng nguồn ngân sách và ổn định trật tự, kỷ cương trong hoạt động bán ĐGTS tại địa phương. Tuy nhiên, do áp dụng các văn bản pháp luật về ĐGTS chưa thống nhất, việc tổ chức thực hiện gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này.
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai nghị định nói trên của Chính phủ và tăng cường quản lý hoạt động bán ĐGTS tại địa phương, giám đốc các sở, thủ trưởng ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và TP Huế cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc chuyển giao tài sản bán đấu giá, ký hợp đồng bán ĐGTS theo đúng quy định của pháp luật và tránh lãng phí, thất thoát tài sản công. Ngoài việc Hội đồng bán đấu giá đặc biệt cấp tỉnh và cấp huyện phải tự chấm dứt hoạt động theo quy định, UBND các huyện, thị xã, TP Huế chỉ đạo Hội đồng bán ĐGTS khi thực hiện công tác này phải ký hợp đồng với tổ chức bán ĐGTS chuyên nghiệp. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương rà soát các quy định hiện hành về bán ĐGTS ở địa phương, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế; rà soát, kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động của các tổ chức bán ĐGTS theo quy định. Sở Tài chính đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, TP Huế cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước về chế độ tài chính trong hoạt động bán ĐGTS và thực hiện việc chuyển giao tài sản bán đấu giá theo quy định về quản lý tài sản Nhà nước; rà soát các quy định về phí, lệ phí bán ĐGTS và đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời.