Phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước để tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, tăng cường phát triển về nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Tại Thừa Thiên Huế, từ năm 2004, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và với Đại học Huế vào năm 2008. Hiện có rất nhiều chương trình, dự án đầu tư trọng điểm được thực hiện lồng nghép nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn, như các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất. Có thể kể đến mô hình cánh đồng mẫu lớn, trồng rau an toàn ở Quảng Điền, trồng hoa lan ở Phú Mậu (Phú Vang)... Tuy nhiên, thực tế việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế, các mô hình sản xuất hiệu quả còn ít, việc cơ khí hoá trong nông nghiệp chưa nhiều...
Tại “Hội thảo khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” diễn ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, trình độ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp Việt Nam còn nhiều yếu kém, chất lượng và hiệu quả kinh doanh sản phẩm chưa cao; nhiều giống mới chưa được đưa vào sản xuất… Một tồn tại lớn trong phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng. Mới đây, khi tôi đặt vấn đề với Tiến sĩ Lê Văn An, người vừa được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm Huế về việc chuyển giao các kỹ thuật mới cho một huyện thuần nông, anh vui vẻ nhận lời. Đề tài nghiên cứu của trường rất nhiều, nhưng muốn chuyển giao cần có kinh phí thực hiện. Đó là cái khó cho cả hai phía. Thực tế trên cho thấy, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và triển khai ứng dụng, nếu không sẽ là sự lãng phí lớn không chỉ về tiền bạc và cả trí tuệ.
Muốn làm tốt việc này, cần phải có cơ chế đặt hàng sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng mối liên kết “4 nhà” từ khâu triển khai, ứng dụng lẫn tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp. Đây là những việc làm quan trọng để các tiến bộ KH&CN đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả nhất.