Hàng chục ha hành lá tại TX Hương Trà bị ngập úng
Mưa lũ làm ngập úng hàng chục ha hoa màu trên địa bàn tỉnh, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng. Chiều 22/9, theo ghi nhận của PV, một số tuyến đường liên thôn, xã qua địa bàn hai phường Hương Chữ, Hương An (TX Hương Trà) bị ngập nhẹ. Các xứ đồng trồng hành lá, rau màu của người dân hai địa phương trên bị ngập nước. Bà Lê Thị Én (thôn An Lưu, phường Hương Chữ) cho biết: “Vụ này, tui trồng 2 sào hành lá. Những ngày mưa vừa qua, 1 sào đang trồng 2 tháng thì ít thiệt hại, sào còn lại do mới trồng nên khi gặp mưa, đất bở, cây hành bị bổ gốc ra ngoài luống, phải nhổ vào bán “chạy lũ”. Theo bà Én, bình thường một sào hành lá bà thu nhập 8 triệu đồng (8 tạ). Do mưa to, ngập úng, bà con đổ xô thu hoạch nên giá xuống thấp, chỉ còn 4-5 nghìn/kg, nên mỗi sào thất thu khoảng 5 triệu đồng.
Tương tự, tại xứ đồng Chùa, phường Hương An, hàng chục ha hành cũng bị ngập úng, bật ra khỏi luống, nhiều diện tích bị mất trắng. Bà con nông dân đang thu hoạch non số hành bị ngập, đổ gốc. Anh Hồ Văn Nhớ (thôn Cổ Bưu, xã Hương An) lo lắng: “Trong số 2,5 sào hành lá, mưa lớn trong 2 ngày ni làm 1,5 sào bị mất trắng. Số diện tích khác phải nhổ trồng lại nếu trời nắng, nhưng gặp mưa thì không còn “cứu” được”.
Tại huyện Phú Vang có 5,5 ha lúa ở xã Vinh Thái bị ngập, thiệt hại 30%; 30ha hoa màu tại xã Phú Mậu; 5 ha tại phường Hương Long (TP.Huế) bị ngập úng.
Nhiều nơi còn ngập
Trên tuyến tỉnh lộ 4 dẫn về các xã Hương Vinh (TX Hương Trà), Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước (huyện Quảng Điền), đến cuối chiều một số điểm bị ngập nhẹ (0,3-0,4m), làm giao thông đi lại khó khăn.
Một số tuyến đường, nhà dân vẫn còn ngập nhẹ
Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết: “Mưa lớn trong hai ngày qua đã làm mực nước sông dâng cao. Toàn xã có 30 ha rau các loại, số diện tích này chủ yếu trồng trong vườn nhà ở thôn Tây Thành. Một số diện tích nhỏ còn lại (trên tổng diện tích 1,8 ha vùng rau an toàn) bị ngập trong nước”. Nông dân Trần Hòa (thôn Tây Thành, xã Quảng Thành) cho biết, mưa lớn đã làm 2 sào rau cải, xà lách bị ngập trong nước. Khi nắng lên, diện tích này sẽ bị úng, hư hỏng. Sáng nay ông ra ruộng trổ nước tránh gây ngập úng diện tích còn lại.
Tại thôn Đông Xuyên, xã Quảng An, một số nhà dân bị ngập, nước tràn qua đường. Bà Lê Thị Liêm (78 tuổi, thôn Đông Xuyên) cho biết: “Từ chiều tối hôm qua (21/9), nước đã tràn qua mặt đường. Ngày 22/9 nước vẫn còn ngập, chảy vào nhà”. Đoạn đường dẫn qua cầu Thủ Lễ (xã Quảng Phước), nước từ mé sông tràn lên gây ngập úng chừng 0,5m. Các thôn nằm dọc mép sông Diên Hồng, xã Quảng Phước nước và một số tuyến đường liên thôn thấp trũng, nước ngập từ 0,2-0,3m. Ở những nơi này, người dân tranh thủ nước lụt lên ra sông cất rớ, bắt chuột đồng; thôn Mai Dương là địa bàn thấp nhất xã Quảng Phước cũng có một số nhà dân, tuyến đường bị ngập. Bà Phạm Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho hay, khoảng 20 giờ tối 21/9, nước sông dâng cao đã làm nhiều nhà dân ở vùng Mai Dương ngập từ 0,4-0,5m. Sáng 22/9, nước đã giảm”.
Chủ động ứng phó
Ông Phan Phước Thìn, Chủ tịch UBND phường Hương An, cho biết, địa phương có gần 40 ha hành lá bị ngập, trong đó, khoảng 10ha ngập nặng (thuộc vùng Bồn Trì, Bồn Phổ và Cổ Bưu). Đến chiều 22/9, mưa đã ngớt nhưng nước trên các ruộng vẫn chưa rút. Phường đã cử cán bộ nông nghiệp về nắm tình hình, tích cực vận động bà con thu hoạch số hành non bị ngập để vớt lại vốn. Ở những diện tích ruộng, vận động bà con chủ động trổ nguồn nước, chống ngập úng và có biện pháp kỹ thuật hướng dẫn bà con xử lý cây hành sau mưa ngập.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, đến nay trên địa bàn có hơn 20 ha hành lá, lạc, sắn bị ngập tập trung ở các địa phương Hương An, Hương Chữ, Hương Văn. Phòng đang nắm thống kê thiệt hại các địa phương, có phương án kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa mức thiệt hại đối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng.
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, hiện các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn; các công trình cống đập vùng hạ du: đập Thảo Long, Cửa Lác, Cống quan và các công qua đê được vận hành, mở các cửa để thoát lũ. Các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến thời tiết, đưa mực nước thấp nhất trước lũ theo quy trình vận hành được phê duyêt.
|
Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, để chủ động đối phó lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lụt gây ra, các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tiến hành kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở triển khai các phương án phòng chống lụt bão tại các địa phương. Các ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra các tuyến đê, công trình xung yếu để kịp thời có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Đồng thời, duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo thống kê bước đầu, toàn tỉnh có hàng chục ha hoa màu, lúa bị ngập úng, trong đó, nặng nhất là thị xã Hương Trà 40 ha; huyện Phú Vang bị ngập 35,5 ha; TP. Huế 5 ha… Nhiều tuyến đường nội thành, tỉnh lộ bị ngập trên diện rộng, hàng nghìn phương tiện giao thông di chuyển khó khăn trong nhiều giờ liền và hơn 2.000 phương tiện ô tô, xe máy bị kẹt lại, chết máy, hư hỏng.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cho biết, văn phòng đã chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, đồng thời đề nghị các ban ngành, đơn vị liên quan tích cực phối hợp để khắc phục thiệt hại; các chủ công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi tình hình thời tiết và vận hành theo quy trình để đảm bảo an toàn các công trình. “Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tổ chức trực ban, theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình mưa lũ để thông tin kịp thời đến các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó”, ông Hùng cho hay.
Hà Nguyên - Lê Thọ