|
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ĐBQH Thừa Thiên Huế Lê Hoài Trung đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp |
Cần gỡ khó cho doanh nghiệp
Tại phiên thảo luận tại ở tổ 7 (sáng 23/5) gồm có các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đoàn: Đăk Nông, Long An, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên.
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024, các đại biểu thống nhất với báo cáo do Chính phủ trình; báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về những nhận định, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; kết quả điều hành của Chính phủ. T
Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá, tình hình KT-XH những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.
Tham gia thảo luận, các vị ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ĐBQH Thừa Thiên Huế Lê Hoài Trung đề nghị, thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có nhiều hơn những giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài cơ chế, chính sách, việc hỗ trợ về vốn sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, cần tranh thủ đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn ODA phải tiếp tục được quan tâm.
Đại biểu Lê Hoài Trung đặc biệt quan tâm đến công nghiệp bán dẫn cũng như các ngành công nghiệp công nghệ mới.
Ông Trung nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ là nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Liên quan đến kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, đại biểu Lê Hoài Trung thống nhất cao, song đại biểu kiến nghị nên quan tâm hơn nữa các đối tượng là lao động nữ.
|
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ |
Nêu ý kiến tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu trăn trở về nguồn vốn để thực hiện các dự án.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu dẫn chứng các dự án nhà ở xã hội tại Thừa Thiên Huế đang vướng về mặt cơ chế, chính sách để vay vốn do không đủ điều kiện thẩm định hồ sơ. Ngoài ra, bà Sửu cho biết, doanh nghiệp phản ánh chính sách cho nhà ở công nhân trong khu công nghiệp đang gặp khó khăn về lãi suất vay.
12 lĩnh vực được nhiều cử tri cả nước quan tâm
Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Điều hành phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh đến các nội dung các đại biểu cần tập trung thảo luận.
Đáng chú ý đó là 12 lĩnh vực được nhiều cử tri cả nước quan tâm kiến nghị đã nêu trong báo cáo, như: Nông nghiệp - nông dân - nông thôn, thực hiện chính sách người có công, lao động việc làm, an sinh xã hội, văn hóa thể thao du lịch, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, sản xuất kinh doanh, quản lý thị trường, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ công chức, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và thi hành pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng…Xung quanh tình hình cử tri kiến nghị còn hạn chế, chưa giải quyết trả lời, hoặc chậm trả lời; trả lời không rõ trách nhiệm… Những nội dung khác có liên quan, thông qua tiếp xúc cử tri, làm việc với địa phương, các bộ ngành mà ĐBQHH tiếp nhận được…
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu đã đề nghị Quốc hội, các cơ quan liên quan xem xét nâng mức khoán bảo vệ rừng và khoán khoanh nuôi tái sinh rừng trồng; sớm ban hành quy chuẩn phù hợp hơn trong đánh giá tác động môi trường đối với nuôi trồng thủy sản; cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi Kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri; đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử tri; chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội; cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc quản lý, kinh doanh vàng …
Tại phiên thảo luận, các Bộ trưởng: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.. đã giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu.