Với người đồng bào dân tộc thiểu số, bên cảnh Tết Cổ truyền, lễ hội Aza cũng là ngày tết của họ
Mong một mùa no ấm
Cách đây chừng hơn 1 tháng, những người dân vùng cao A Lưới đồng loạt tổ chức lễ hội Aza. Với người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Aza được xem là ngày Tết Cổ truyền của họ. Bởi vậy mà khi lễ hội này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia, người Pa Cô rất tự hào. Họ bảo, nếu Tà Ôi có zèng thì Pa Cô bây giờ đã có Aza được nhiều du khách biết đến.
Trò chuyện với già Hồ Văn Rải (xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) khi những ngày Aza vào hội. Ông bảo, trong tâm khảm của người đồng bào dân tộc thiểu số, trải qua năm dài, họ chỉ mong những ngày tháng sắp tới sẽ ấm no, bình an. Bởi thế mà ý nghĩa của lễ hội này dường như xoay tròn trong những ước mong ấy. Người Kinh xem Tết Cổ truyền là dịp đoàn viên thì lễ ăn cơm mới của người đồng bào là cơ hội để con dân làng bản quây quần, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm sau năm dài có cả buồn lẫn vui.
Hồ Văn Chúc, một người bạn của tôi cứ dịp cuối năm, khi dân làng vào hội Aza thường nghĩ về ngày cũ. Ngày sương giăng, che mờ đỉnh núi, anh cùng những người bạn thăm rừng, bẫy được con heo, con nai, lặng lẽ trở về làng, bên ánh lửa bập bùng tại nhà dài cùng chia nhau thành quả. Nhưng bây giờ nhắc về ngày xưa ấy anh cười xua tay, Nhà nước không còn cho bẫy thú rừng, sau chuyến thăm rừng chỉ được vài lít mật ong cùng mớ cá suối tươi xanh. Dẫu vậy, thế là đủ để mang đến hơi ấm của ngày đông, họ cùng chia nhau bên ché rượu cần dậy mùi phía nhà làng, cùng ngân lên câu lý, đong đầy tình cảm. “Dù răng đi nữa, những tập tục của người đồng bào vẫn được kế thừa. Đó là những điều để nhận thấy hồn cốt của người đồng bào”, anh Chúc nói.
Tết! miền ngược sẽ thoang thoảng hương rượu cần trong gió. Thứ men ấy làm say lòng người mỗi dịp ghé thăm vùng cao. Ngược xuôi phía núi khi dân làng vào hội sẽ thấy những bộn bề, lo toan của dân nghèo tan biến trong sương. Anh Chúc bảo, khi miền ngược gần hơn với đồng bằng thì dân bản bớt “cô đơn”, lạc lỏng giữa rừng. Bây giờ, chẳng mấy ai vào rừng đặt bẫy, hay truy tìm bằng được một con thú đi hoang. Ở đâu đó, có những người trẻ chẳng thiết tha gì với văn hóa vùng cao khi họ gần hơn với đồng bằng, nhưng những tập tục dù nhỏ dù lớn như, giữ được điệu za zã, làm được ché rượu đoác hay hiểu được các nghi lễ trong lễ hội Aza Kooh là níu được ân tình, cái đẹp của vùng cao. “Ngày trước, con heo rừng trong mùa lễ hội hay bữa cơm là không thể thiếu đối với người đồng bào, nhưng nay tục săn heo rừng chỉ còn là quá khứ. Con dân làng bản đã biết thuần dưỡng, nuôi heo phía bìa rẫy để đến dịp tết hương vị ấy không bị lãng quên”, anh Hồ Văn Khai (thị trấn A Lưới) bày tỏ.
Người đồng bào chọn hoa cúc chơi tết tại chợ sớm A Lưới
Chung vui cùng dân tộc
Chợ sớm A Lưới những ngày giáp tết, bước chân của người đồng bào dường như vội vã hơn. Trên cái a chói phía sau lưng của các chị, các mẹ đôi khi chỉ là buồng chuối hay những xấp lá chuối, nhưng đó là “nguồn thu” chính để họ có thêm tiền vui xuân, đón tết.
Nhiều năm trước, nhắc đến tết cổ truyền, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ lắc đầu nguầy nguậy. Họ thu mình trong gian bếp sau một mùa Aza. Nhưng nay, không khó để bắt gặp những con đường hoa. Trục đường Hồ Chí Minh những ngày tết bây giờ chẳng khác gì phía đồng bằng với đầy đủ mai, đào, cúc trúc. Nhiều giống hoa mới như, ly, tu lip càng tô điểm cho sắc xuân. Hàng hóa dịp tết theo những chuyến xe xuôi ngược và không thiếu những hình ảnh những đứa trẻ xúng xính trong bộ áo quần mới, du xuân cùng gia đình ở quảng trường A Lưới. “Dù tết chính của người Pa Cô là Aza nhưng tụi tui cũng mong chờ đón Tết Cổ truyền như đồng bào người Kinh. Dịp tết, cũng mua cho con thêm quần áo mới và mua hoa cúc về nhà chơi tết”, anh Hồ Văn Đôm (xã Bắc Sơn) chia sẻ.
Khi văn hóa dần xê dịch, tiếp nhận hay giữ được một phong tục truyền thống tốt đẹp là điều đáng trân quý. Dẫu không phải là tết chính nhưng người đồng bào vẫn có cách tạo nên những phong vị tết riêng có. Ngày tết, những chàng trai, cô gái xúng xính trong trang phục truyền thống của dân tộc; các mẹ giã từng hạt nếp gói bánh Ra Dư. Cháo thập cẩm, cơm lam, lạp bò, bánh A Coát, rượu đoác… sẽ xuất hiện trong mâm cúng tổ tiên vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. “Tụi tui cũng sẽ đi thăm bà con, làng xóm trong những ngày Tết Cổ truyền của người Kinh. Những điệu múa, tiếng cồng chiêng hay các bài dân ca, dân nhạc cũng sẽ vang lên trong dịp tết đến xuân về”, anh Đôm nói.
…Đến A Lưới để nghe phố núi trở mình, để tận thấy sắc xuân vời vợi trên từng làng bản. Họ đang chung vui cùng niềm vui dân tộc.
Bài, ảnh: L.Thọ