ClockThứ Sáu, 02/11/2018 15:07

Tham gia Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam ứng phó với tác động của kinh tế thế giới

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, sau khi nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về nội dung trên.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Hầu hết các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết  Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm.

Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Định) phân tích: Tham gia CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế khi chủ nghĩa bảo hộ đang có xu thế phát triển. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế, đặc biệt trong mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua sân chơi quốc tế như vậy, Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; lựa chọn những sản phẩm chủ chốt, thế mạnh của mình để tham gia thị trường chung.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn, bởi việc tham gia Hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Đây sẽ chính là những thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin...

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn chứng: Nước ta là nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong nhóm 11 nước tham gia CPTPP. Cụ thể, mức bình quân GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2.306 USD, trong khi đó nước cao nhất là Australia là 56.135 USD. Các nước ở nhóm dưới gần Việt Nam, như: Chile, Malaysia, Mexico, Peru; thấp nhất là Peru cũng là 6.598 USD, gấp khoảng 3 lần so với Việt Nam. Đây cũng là thách thức, cần có phân tích rõ hơn sau khi Việt Nam tiến hành phê chuẩn Hiệp định.

Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn Hiệp định CPTPP, một số ý kiến đánh giá đã bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành. Nhưng, một số ý kiến cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế-xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực.

Đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) kiến nghị Chính phủ bổ sung tài liệu các bản ghi nhớ, thư, thư trao đổi giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, bởi đây là những văn kiện liên quan được đề nghị xem xét, phê chuẩn cùng với Hiệp định CPTPP.

Cơ hội và thách thức

Phân tích những thuận lợi và thách thức khi tham gia CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cơ hội đầu tiên của Việt Nam là có thể đẩy nhanh sự hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhanh hơn, mạnh hơn, tiến bộ hơn. Thêm nữa, CPTPP mở ra cho nước ta một thị trường mới, rộng hơn.

Theo đại biểu, điểm nhấn của 11 quốc gia tham gia CPTTP là các nước thành viên rất giàu, GDP bình quân đầu người là trên 30.000 USD; trong đó Canada là 45.077 USD, Australia là 55.707 USD, New Zealand là 41.593 USD, Singapore là 57.513 USD (số liệu năm 2017). Khu vực này là các nước giàu, thu nhập bình quân đầu người cao, còn Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp nhất (với 2.380 USD).

Từ đó có thể thấy, khi thu nhập bình quân đầu người cao như vậy thì tiêu dùng của các nước này cũng rất lớn. Do vậy, Việt Nam có cơ hội tạo ra những sản phẩm chất lượng với giá cả thích hợp. "Điểm nhấn không phải hàng giá rẻ mà khi nhắm tới thị trường này là thị trường có tiêu chuẩn cao, thu nhập cao, phù hợp với người có thu nhập cao. Cho nên Luật An toàn thực phẩm cần phải được triển khai ngay. Đó là những vấn đề phải nghĩ đến khi tái cơ cấu nền kinh tế. Cải tiến và nâng cao năng suất lao động thì về yếu tố về năng suất, giống mới, con giống mới với năng suất cao và an toàn phải đặt lên hàng đầu, như vậy chúng ta mới có cơ hội đi vào thị trường này. Đấy là điểm mà chúng ta phải thấy rõ khi tham gia CPTPP" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Cùng ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, khi áp dụng, ký kết Hiệp định CPTPP, các quốc gia trong đó có trình độ phát triển kinh tế cao nên chắc chắn sẽ đánh vào phân khúc thị trường mặt hàng cao, hướng đến mặt hàng chất lượng, không phải là các mặt hàng giá rẻ. Về xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước cùng tham gia Hiệp định được giảm thuế sẽ có tính cạnh tranh lớn hơn theo xu hướng của thế giới, xu hướng phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản sẽ có cạnh tranh lớn, sẽ có lợi cho các doanh nghiệp hội nhập một cách đàng hoàng, đầu tư sản xuất chất lượng. Về phía các mặt hàng nhập khẩu cũng tương tự như vậy. Người dân đang phải đối mặt với hai loại hàng: những sản phẩm được sản xuất với tiêu chí giá càng rẻ càng tốt và hàng cho người thu nhập khá hơn. Những mặt hàng có chất lượng khá hơn thường phải đóng thuế cao hơn nhưng khi tham gia Hiệp định CPTPP sẽ phải giảm thuế xuống. Nếu doanh nghiệp không chú trọng đến sản xuất để cạnh tranh sẽ có nguy cơ mất trắng thị trường. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu trên thị trường còn tồn tại chưa kiểm soát được, cũng tạo ra sự cạnh tranh. Bài toán đặt ra khó khăn cho Chính phủ trong việc cân đối ngân sách và các doanh nghiệp cần có sự đầu tư sản xuất thích đáng, nếu không sẽ bị thua thiệt.

Quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm khi tham gia Hiệp định CPTPP, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu rõ: Việc ra đời tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp hoạt động song song với tổ chức công đoàn đặt ra thách thức cho công đoàn Việt Nam về việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên công đoàn. Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn.

Nhà nước ta đang phải tích cực tuyên truyền về thời cơ và thách thức đối với doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan về nội dung của Hiệp định. Chính phủ cần phát huy những mặt tích cực, những lợi ích, thời cơ, đồng thời cần có những giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực, ảnh hưởng để Việt Nam có môi trường phát triển bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạn chế các rủi do cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn, hoàn thiện Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngày 13/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức có công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét và chấp thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á Mitsubishi Electric Cup 2024 (AFF Cup 2024).

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì
Return to top