Với tác động của dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chính thức có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản, gia súc, gia cầm của người dân trong vùng dịch. Vì phong tỏa phòng chống dịch, chung sức hỗ trợ giúp người nông dân vượt qua khó khăn là chuyện dễ hiểu và cần thiết.
Cũng thời điểm này, một thông tin đáng quan tâm là vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được đưa lên 4 sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Và, chỉ sau 4 giờ của ngày đầu tiên mở bán vào thứ 6 vừa qua (ngày 14/5) trên Lazada, đã có gần nửa tấn vải thiều u trứng trắng được bán, theo hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng (theo Thanh niên). Để tiêu thụ được nông sản qua các kênh hiện đại là cả một quá trình chuyển đổi từ quy hoạch vùng trồng, áp dụng phương thức canh tác hiện đại đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực chuyển đổi số… của người nông dân, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan.
Với hai thông tin trái ngược nhau như vậy, chúng ta có thể thấy phương thức sản xuất của người nông dân ở hai nơi hoàn toàn khác nhau và sự bền vững, ổn định, hiệu quả thuộc về phương thức sản xuất mới, hiện đại. Đó là sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất cái mình có sang cái thị trường cần và họ đã thành công, có thể làm giàu từ kinh tế nông nghiệp.
Thực tế ở nước ta, nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, nhất là những thời điểm khó khăn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh như năm 2020 vừa qua, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy vậy, điệp khúc giải cứu nông sản cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, với nhiều loại nông sản, ở nhiều địa phương. Người nông dân vẫn cứ phập phồng theo mùa vụ và chưa thể làm giàu trên những “tấc vàng” đầy tiềm năng.
Với Thừa Thiên Huế, hiện nay tỉnh đã có Sàn giao dịch thương mại điện tử, Liên minh HTX tỉnh có Sàn kinh tế hợp tác và nhiều sản phẩm nông nghiệp đăng ký OCOP, nhưng sản phẩm có quy mô, mang tính hàng hóa được đưa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử còn ít. Số lượng doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia vào sàn giao dịch còn khiêm tốn, thậm chí có người còn chưa biết đến sự có mặt các sàn giao dịch này.
tại buổi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ngày 19/5 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví von “điểm nghẽn” ngành nông nghiệp là 3 “lời nguyền”. Đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp.
Để tháo gỡ các “lời nguyền”, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới. Đó là, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả. Chuyển từ “Chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “Chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”. Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị ”. Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”.
Thực hiện điều đó không phải là một sớm một chiều và không phải đơn lẻ một bộ, ngành, một địa phương, một doanh nghiệp hay cá nhân có thể thành công. Nhưng nếu không bắt đầu từ sự quyết tâm thay đổi của mỗi cá nhân, đơn vị, địa phương thì sẽ chưa biết bao giờ điều đó mới thành hiện thực. Thay đổi càng sớm càng hiệu quả. Trong quá trình chuyển đổi đó, nông dân phải là trung tâm, mọi hoạt động phải xoay quanh người nông dân và đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
Hoàng Minh