ClockThứ Bảy, 17/03/2018 06:00

Thị trường xuất khẩu lao động đa dạng và rộng mở

TTH - Với các chính sách hỗ trợ, thị trường lao động rộng mở, người lao động nghèo có nhiều cơ hội để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Vấn đề còn lại là sự quyết tâm, vượt qua những rào cản tâm lý của chính họ.

Hướng mở từ xuất khẩu lao độngĐẩy mạnh xuất khẩu lao động ở Phong ĐiềnXuất ngoại giúp việcĐồng hành trong xuất khẩu lao động

Lao động nữ giúp việc chuẩn bị xuất cảnh sang Ả Rập Xê Út. Ảnh: Lê Lâm

Thoát nghèo

Gia cảnh nghèo khó, một mình nuôi ba đứa con, chị Lê Thị Thanh (quê ở Phong Mỹ, Phong Điền) đăng ký đi giúp việc ở Vương quốc Ả Rập Xê Út theo chương trình tuyển lao động nữ giúp việc không tốn phí của Công ty CP Xây dựng, cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân. Đến nay, chị Thanh sang Ả Rập Xê Út khoảng 1,5 năm.

Qua facebook, chị Thanh kể cuộc sống bên đó rất thoải mái, thời gian làm việc hợp lý, nhà chủ đối xử tốt nên chị nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Mọi chi phí ăn ở, đồ dùng cá nhân nhà chủ đã lo nên lương thưởng chị Thanh dành dụm để khi về nước xây nhà và có vốn làm ăn. Chị tâm sự: “Cuộc sống ở quê nhà vất vả nên đi xuất khẩu lao động là giải pháp để mẹ con tôi thoát khỏi khó khăn. Đi xa cũng nhớ nhà, nhớ con lắm nhưng mẹ con tôi tự động viên nhau vượt qua”. Chị Thanh là một trong những người ở Thừa Thiên Huế đi XKLĐ theo chương trình này sớm nhất. Lương cao lại không tốn phí, sau chị, nhiều phụ nữ có trình độ tay nghề thấp cũng đã đăng ký đi làm việc ở xứ người.

 Người lao động được Công ty XKLĐ Nhật Bản Quinn Hà Nội đào tạo tại Huế trước khi đi XKLĐ ở Nhật Bản. Ảnh: Lê Lâm

Có những gia đình có đến mấy người rủ nhau đi XKLĐ. Từ nghèo khó, họ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trường hợp của Lê Đình Tám ở Trung Kiều, Quảng Thái, Quảng Điền là một ví dụ. Năm 2017, Tám đi XKLĐ ở tỉnh Hyogo (Nhật Bản) với ngành nghề cơ khí chế tạo máy. Công việc ổn định với mức lương cơ bản 30 triệu đồng/tháng, hàng tháng Tám gửi về cho gia đình từ 15-20 triệu đồng. Thấy vậy, anh trai và anh rể của Tám cũng đang chuẩn bị xuất cảnh. Hay trường hợp một gia đình nghèo ở Phong Điền có 3 con đi XKLĐ, 2 người đi Hàn Quốc, 1 người đi Nhật. Mỗi tháng, các con gửi về gia đình 120 triệu đồng .

Đa dạng thị trường, đơn hàng

Những tác động tích cực do XKLĐ mang lại đã rõ. Tuy vậy, tỷ lệ lao động thuộc các diện chính sách, như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng... đi XKLĐ chưa cao, dù có nhiều chính sách khuyến khích về hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, khám sức khỏe, vay vốn với lãi suất thấp...

Ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: “Năm 2017, Sở LĐ-TB&XH chưa nhận được hồ sơ nào đề nghị hỗ trợ đi XKLĐ. Hiện nay, chúng tôi mới nhận được vài hồ sơ nhưng còn thiếu thủ tục. Chúng tôi cũng kiến nghị thủ tục hỗ trợ cho người đi XKLĐ cần đơn giản hơn. Các doanh nghiệp XKLĐ cũng cần thực hiện đúng theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH trong việc tập hợp hồ sơ chứng từ đầy đủ để người lao động thuộc diện hỗ trợ thanh toán với Sở LĐ-TB&XH”.

Theo Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động thuộc các diện chính sách đi XKLĐ thấp là do lao động là thân nhân của người có công đa phần đã lớn tuổi. Với người lao động nghèo và lao động người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, những hạn chế về sức khỏe, trình độ, tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp và tâm lý ngại xa nhà là những rào cản khiến họ ít đi XKLĐ. Ông Hoàng Văn Phước cho hay: “Trước đây, các đơn hàng ở những thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu cao về trình độ văn hóa, tay nghề... nên tỷ lệ lao động nghèo hội đủ điều kiện về văn hóa, kỹ năng nghề, kỷ luật lao động, sức khỏe để vượt qua xét tuyển của doanh nghiệp nước ngoài không cao”.

Để đa dạng hóa thị trường lao động, đa dạng hóa đơn hàng với nhiều mức phí dành cho nhiều đối tượng, Sở LĐ-TB&XH lựa chọn những đơn hàng phù hợp với nhiều đối tượng để giới thiệu với người lao động. Người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thể đi XKLĐ theo những đơn hàng không tốn phí sang Qatar, Ả Rập Xê Út. Ngay cả với các thị trường thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, trước đây yêu cầu tối thiểu phải tốt nghiệp PTTH, giờ vẫn có những đơn hàng dành cho những người mới tốt nghiệp THCS. Mức chi phí cũng đã giảm xuống, nhất là Nhật Bản.

Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, nhất là với các đối tượng lao động nghèo, thời gian tới, Tổ tư vấn học nghề, việc làm và XKLĐ của Sở LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tận cơ sở để người dân hiểu lợi ích của XKLĐ bằng những trường hợp có thật, phổ biến các chính sách khuyến khích XKLĐ của Nhà nước, của tỉnh. Bên cạnh đó là việc xây dựng niềm tin với người lao động bằng cách thẩm định kỹ các đơn hàng của các công ty XKLĐ, tăng cường kiểm tra giám sát về công tác này để giải quyết kịp thời những vướng mắc.

“Tỉnh ủy đã có chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác XKLĐ đến tận chi bộ. Hy vọng, đây là cú hích để lãnh đạo các địa phương thúc đẩy XKLĐ. Làm công tác này, cứ một người đi XKLĐ là chúng tôi thêm một niềm vui, vì sẽ xóa được một hộ nghèo. Những người lao động ra nước ngoài gửi tiền về và đời sống gia đình họ khá lên sẽ tạo thành phong trào rộng rãi”, ông Phước tin tưởng.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường
Linh hoạt để gần gũi người lao động

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, người lao động.

Linh hoạt để gần gũi người lao động

TIN MỚI

Return to top