Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên Đại học Huế (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: HỮU PHÚC
Nhiều năm trước đây, một thành phố gần Thừa Thiên Huế là Đà Nẵng cũng nổi lên chuyện thu hút nhân tài. Tiếp đó là nhiều nơi khác. Đối tượng thu hút là các chuyên gia có bằng cấp cao, thường là tiến sĩ. Và Đà Nẵng cũng như các địa phương cũng đề ra các chế độ đãi ngộ mà trọng tâm khuyến khích là đãi ngộ về vật chất. Ví như khi về làm việc với tỉnh, thành thì sẽ được đãi ngộ (nói thẳng ra là trả) ngay bao nhiêu tiền, lương bổng ra sao, tạo điều kiện chốn ở như thế nào… Theo dõi thông tin qua truyền thông thì thấy, điều kiện vật chất được sử dụng như là điều kiện quan trọng nhất để thu hút nhân tài.
Thực ra, mục tiêu của thu hút nhân tài là để người đó đóng góp cho sự phát triển bằng tài năng, trí tuệ. Những người tài này có tác động thúc đẩy cho sự phát triển của địa phương, ít nhất là lĩnh vực hoạt động của họ.
Chúng ta đang nặng - và xét ở khía cạnh nào đó - quá đặt nặng về điều kiện vật chất, có khi mất ý nghĩa của việc sử dụng người tài chứ chưa nói chuyện thu hút.
Người tài, tất nhiên là khác với những người bình thường. Thiên tài lại càng khác nữa. Một người lao động bình thường, ăn bữa nay lo bữa mai, họ ít có điều kiện đóng góp nhiều cho xã hội. Xét về mặt đóng góp xã hội, người tài có nhiều điều kiện hơn. Cho nên, dù muốn hay không, có thể nói, thiên hướng xã hội là một đặc tính của người tài. Từ trong bản chất, những suy nghĩ, những công việc, những góp ý… của họ đã có ý nghĩa xã hội. Ví như một phát minh mới, tự nhiên bản thân nó đã thúc đẩy xã hội triển. Một người tài hoạt động trong lĩnh vực kinh tế sẽ đưa doanh nghiệp phát triển, tạo ra bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu việc làm cho xã hội; lại còn đóng góp cho ngân sách, có khi là tham gia thực hiện các nghĩa vụ xã hội khác…
Chính vì thiên hướng, bản chất xã hội của người tài mà có khi họ không quá coi trọng vật chất cho riêng mình!
Có một nhà văn đã từng viết, mà theo người viết bài này là chí lý. Đó là mỗi con người sinh ra đều mang theo trong mình một sứ mệnh. Sứ mệnh của người bác sĩ là chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân. Sứ mệnh của một nhà giáo là cung cấp kiến thức tốt nhất cho học sinh. Sứ mệnh của một chính khách là đóng góp cho sự phát triển đất nước. Sứ mệnh của doanh nhân là đưa doanh nghiệp phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động… Nếu không làm được những điều như vậy thì họ không làm tròn sứ mệnh của mình. Chúng ta cứ hình dung, nếu đặt nặng về vật chất, bác sĩ tìm mọi cách lấy tiền nhiều nhất của bệnh nhân; giáo viên tìm cách lấy tiền của học sinh; chính khách tìm cách tóm vén vật chất cho riêng mình… thì còn gì ý nghĩa thiên hướng xã hội và thực hiện sứ mệnh của mình.
Chúng ta đã từng nghe trên thế giới những tỷ phú thành lập nên những câu lạc bộ và thỏa thuận với nhau trích một phần tài sản của mình đóng góp cho các hoạt động hỗ trợ xã hội.
Nói tóm lại, người tài thường có thiên hướng xã hội cao và ít đặt nặng vật chất. Tất nhiên, họ cũng phải cần một điều kiện nào đó để sống nhưng không cần phải là một điều kiện quá cao, xa hoa. Mà thực ra họ cũng không có mấy thời gian để nghĩ nhiều đến điều này. Họ đã tài, họ đã đóng góp cho xã hội thì xã hội không bao giờ không ghi công. Có phải chính điều này mà người tài thường ít đặt nặng vật chất.
Ngay chính sách thu hút nhân tài, chúng ta đã bỏ quên hoặc quan tâm không thấu đáo đến thiên hướng xã hội của người tài; tức là quan tâm đến điều kiện vật chất mà chúng ta thường hay nghe là “đãi ngộ”.
Trong đề án thu hút nhân tài ở TP. Hồ Chí Minh thí điểm giai đoạn 2014 - 2018 cho thấy, mức đãi ngộ cho nhân tài là 150 triệu đồng/tháng. Theo những thông tin mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã tuyển được 17 chuyên gia về làm việc nhưng khi hết đề án thí điểm mà “làm thật”, tức là trở về trả lương theo quy định thì không còn mấy người ở lại. Cụ thể hơn, như TS. Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Trong giai đoạn thực hiện thí điểm, cơ quan ông mời được 4 chuyên gia. Nhưng đến năm 2019, khi đề án áp dụng chính thức thì không còn giữ được chân họ”. Ở Đà Nẵng và các nơi khác, hiện nay cũng không còn nghe chuyện thu hút nhân tài nữa!
Nếu môi trường làm việc được tạo ra tốt, cách ứng xử với nhân tài tốt, cách trọng dụng nhân tài thật tâm, tôn trọng những đóng góp của họ… mà nhân tài không còn muốn gắn bó làm việc thì quả là đáng buồn cho việc thu hút nhân tài và cả nhân tài. Nhưng có lẽ câu chuyện không hề đơn giản như vậy.
NGUYÊN LÊ