|
|
Đọc báo Đảng hàng ngày là một thói quen tốt và cần thiết, đồng thời đó là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Ảnh: MC |
Láng giềng bên cạnh nhà tôi ở là một cán bộ hưu trí đã gần bát tuần. Chỉ cần thức giấc, nghe tiếng vòi nước róc rách chảy là biết 5h sáng, với lịch trình thức dậy, thể dục, tưới cây, uống trà, đọc sách, báo, tạp chí… đều đặn mỗi ngày. Ông kể, xưa còn là công chức, mỗi sáng tới cơ quan trước giờ làm việc 15 phút, động tác đầu tiên là ngồi vào bàn, lật dở và lướt nội dung tin tức trên báo, tạp chí xem có văn bản gì mới, đánh dấu những nội dung cần thiết khi có thời gian thì đọc lại và sau đó bước vào lịch công việc của một ngày.
Đọc báo hàng ngày là một thói quen tốt và cần thiết, đồng thời đó là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhằm nắm bắt thông tin chính thống để hỗ trợ nhiệm vụ chuyên môn, giúp công tác điều hành, chỉ đạo kịp thời, đúng chủ trương và định hướng. Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 11- CT/TW, ngày 28/12/1996 về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; Ban Bí thư có Thông báo Kết luận 173-TB/TW, ngày 6/4/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, gần đây nhất là văn bản số 1811/ CV- TU ngày 6/1/2023 về việc tiếp tục thực hiện việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Các văn bản đều khẳng định việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng là trách nhiệm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Tuy vậy, số lượng phát hành báo in ngày càng sụt giảm, đáng báo động là có những đảng bộ của đơn vị cấp tỉnh hiện trong tình trạng “trắng” báo Đảng, cá biệt có đảng bộ huyện với 32 tổ chức cơ sở Đảng, 175 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở nhưng chỉ đặt mua 10 tờ nhật báo cho 5 chi, đảng bộ(?). Nhiều chi, đảng bộ sử dụng nguồn kinh phí được cấp để mua báo, tạp chí chưa đúng mục đích, nghĩa là dùng tiền được ngân sách cấp để chi tiêu cho việc khác. Lãnh đạo một số nơi thiếu quan tâm lãnh, chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. Một số cán bộ cho rằng, thông tin trên báo điện tử rất nhiều, chúng tôi đọc không hết thì cần gì đọc báo in(?), thực tế nhận thức đó chưa đầy đủ. Ai cũng biết báo Đảng địa phương là tiếng nói chính thống của Đảng, chính quyền và Nhân dân ở đó.
Điểm khác biệt của thông tin báo in hàng ngày là luôn cung cấp một cách có hệ thống những nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo các huyện, thị, thành về những vấn đề trực tiếp, quan trọng liên quan trong tỉnh. Đồng thời là diễn đàn của người dân về những vấn đề họ quan tâm trong nội bộ tỉnh nhà. Cán bộ từ chuyên viên đến lãnh đạo các cấp cần sử dụng tờ báo như một kênh quan trọng để cập nhật cơ bản, toàn diện các thông tin để tham mưu, chỉ đạo đúng định hướng, kịp thời và trọng tâm. Mỗi tờ báo, mỗi loại hình báo chí đều có những đặc trưng và ưu thế riêng biệt, không có chuyện so sánh hơn thua.
Các phương tiện và nền tảng của các loại hình báo chí cũng có những ưu thế riêng, song ít ưu thế về tính hệ thống, trọng tâm so với tờ báo chuyên sâu về những vấn đề toàn diện của một địa phương. Hiện nay với lực lượng phóng viên và cộng tác viên hơn 300 người, tờ báo của tỉnh có đủ năng lực để cài cắm, tỏa khắp, kịp thời nắm bắt thông tin mọi ngóc ngách trên địa bàn tỉnh với mục đích và phương châm “tìm kiếm giải pháp giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc bao giờ cũng khó hơn, cần thiết hơn là bình phẩm, chỉ trích”. Báo địa phương không có thiên hướng “bình phẩm, chỉ trích” khi đề cập những mặt trái, mặt hạn chế của những hiện tượng trong đời sống xã hội mà nêu và phản biện vấn đề với mục đích xây dựng, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, có phải vì như vậy mà số lượng độc giả quan tâm chưa nhiều(?!).
Làm gì để tờ báo địa phương nâng cao chất lượng nội dung, phong phú và đa dạng về hình thức, chuyển tải những vấn đề mà cán bộ và Nhân dân trong tỉnh đang mong đợi luôn là tâm huyết, trăn trở và cũng là trách nhiệm của những người cầm bút nói chung, phóng viên báo Đảng địa phương nói riêng.