ClockChủ Nhật, 29/08/2021 18:32

Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến về phòng chống dịch với 1.060 xã, phường tại 20 tỉnh, thành phố

TTH.VN - Sáng 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố.

Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch COVID-19Thủ tướng: "Dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào"

Hiện cả nước có 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương không tham dự cuộc họp do các đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia vừa trực tiếp kiểm tra, làm việc tại các địa phương này từ 26-27/8.

Các ý kiến tại cuộc họp nêu rõ, những ngày qua, các địa phương đã quyết liệt, đẩy mạnh triển khai nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, khẳng định chủ trương lấy xã phường làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ trong phòng chống dịch là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Hoạt động tăng cường giãn cách xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng người dân di chuyển trên đường phố giảm rõ rệt. Đặc biệt, các “pháo đài y tế” tại xã phường đang phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù số ca tử vong vẫn cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng, song hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp theo phương châm đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã phường.

Xác định công tác đảm bảo an sinh xã hội là trọng yếu, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân để yên tâm thực hiện giãn cách.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu mở đầu cuộc họp

Các địa phương khu vực phía Nam đã hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ với số kinh phí chiếm 72,5% so với cả nước. Toàn bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, phù hợp với từng địa phương như người lao động bán vé số, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động…

Nhìn chung, công tác an ninh trật tự trong giai đoạn giãn cách cơ bản được kiểm soát tốt, chủ động ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các tình huống diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch. Các địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Toàn quốc đã cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải đường bộ cho khoảng gần 500.000 xe…

Lắng nghe ý kiến của các bộ ngành và địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đặt các câu hỏi để làm rõ nhiều vấn đề, yêu cầu các đại biểu cần nói thẳng, nói thật trên cơ sở theo dõi sát tình hình, báo cáo kịp thời, nhất là về những nơi, những việc chưa làm tốt. Mục đích là để lãnh đạo nắm tình hình thực tế, có chỉ đạo phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo về công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, số tiền giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn biểu hiện lúng túng, sợ trách nhiệm, cần rút kinh nghiệm. “Việc chống dịch chỉ có thể thành công nếu an dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong lúc khó khăn của đồng bào, đồng chí; đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ, lo ăn lo mặc, lo an sinh cho người dân theo Nghị quyết của Chính phủ. Sáu khi nghe phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Bộ trưởng nêu rõ những nơi làm chưa tốt để cùng rút kinh nghiệm, khắc phục để làm tốt hơn.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các địa phương, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội đồng hương, các tổ chức tôn giáo…, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân  đội, công an đã làm việc quên ngày quên đêm, đã có những đồng chí hy sinh, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia cũng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự chia sẻ, thông cảm, chấp hành, hưởng ứng và tham gia tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân trong thời gian thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, sẵn sàng tiếp tục thực hiện thành công cuộc chiến chống dịch.

Nhờ đó, chúng ta đã đạt kết quả nhất định. Trong 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, có 6 tỉnh đang kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, gồm: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. 13 tỉnh, thành phố đang quyết liệt, tích cực tiếp tục lộ trình đạt các tiêu chí kiểm soát dịch gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Riêng 4 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, dù đã rất cố gắng, nỗ lực với trách nhiệm cao, bám sát địa bàn, bám sát thực tế nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là TP Hồ Chí Minh do nhiều đặc thù về dân cư, xã hội nên tình hình khó khăn. Các địa phương này cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.

Phân tích diễn biến, tình hình dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vẫn đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết, càng khó khăn càng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là lúc dịch đã đi qua, như Bắc Ninh vừa xuất hiện ổ dịch mới.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể, nếu cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thì báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại, phải kiểm soát được tình hình trong thời gian giãn cách, đạt kết quả chống dịch thành công. Phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, nhanh nhất, địa phương nào không đạt mục tiêu phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Ai vi phạm quy định, lơ là, chủ quan, làm không hết trách nhiệm thì phải xử lý, ai làm tích cực, có hiệu quả thì khen thưởng. Từng tỉnh, từng huyện, từng xã phải đẩy nhanh lộ trình đạt mục tiêu càng sớm càng tốt để trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục phát triển kinh tế– xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

Thủ tướng cho biết, các Chỉ thị 15, 16 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu tương đối rõ các giải pháp phòng chống dịch. Bám sát diễn biến dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia đã ban hành thêm Quyết định số 2686 đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp tương ứng trong phòng chống dịch. Tiếp đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1099 về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai; Công điện 1102 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc; sau đó có các chỉ đạo bổ sung để đôn đốc triển khai, xử lý các vấn đề tài chính, lưu thông hàng hóa... Các văn bản này đã cụ thể hóa tất cả các nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã phải quán triệt, thấm nhuần, nắm chắc tất cả các biện pháp về phòng chống dịch tại tất cả các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, nội dung nào liên quan tới người dân thì phải quán triệt đến từng người dân. “Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cơ sở vẫn là khâu yếu nhất. Nếu nơi nào lãnh đạo xã, phường còn nắm các nội dung chỉ đạo lơ mơ thì chắc chắn kiểm tra sau đó cho thấy người dân chưa tiếp cận tốt về an sinh xã hội, y tế…”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung các tỉnh, huyện, xã phải hết sức lưu ý trong triển khai thực hiện.

Thứ nhất, khi áp dụng Chỉ thị 16, phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt các biện pháp giãn cách xã hội, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ nhiệm vụ này.

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực giãn cách xã hội, không để bất cứ người dân nào đứt bữa, thiếu ăn, thiếu mặc. Thủ tướng lưu ý cần quan tâm 3 đối tượng cụ thể: Các đối tượng có điều kiện kinh tế nhưng cần giúp đỡ; các hộ gia đình gặp khó khăn, bị đứt bữa; những người lang thang, cơ nhỡ.

Thứ ba là công tác thu dung, điều trị, giảm tử vong, giảm ca bệnh nặng. Để làm việc này, phải thực hiện giãn cách xã hội thật tốt, ngăn chặn lây lan, giảm F0; bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, phân loại, điều trị, chăm sóc phù hợp ở các tuyến, không để quá tải tuyến trên; kết hợp đông y với tây y, cổ truyền với hiện đại trong điều trị…

Thứ tư, thực hiện tốt chiến lược 5K+vaccine và thuốc, các biện pháp công nghệ. Tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả, toàn diện theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo tinh thần  “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.  Thủ tướng lưu ý việc tiêm vaccine và xét nghiệm cho các shipper để bổ sung lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân.

Thứ năm, bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng công an tham gia, hỗ trợ nhiệm vụ này.

Thứ sáu, huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, kêu gọi, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.

Thứ bảy, nghiên cứu di dời, sơ tán một số người dân từ những nơi có mật độ dân số cao trong "vùng đỏ" sang những nơi an toàn, thông thoáng để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này. Đây là kinh nghiệm đã được thực hiện tốt tại một số tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh đã triển khai.

Thứ tám, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Thủ tướng lưu ý, ưu tiên chống dịch nhưng không được bỏ quên các nhiệm vụ quan trọng thường xuyên khác như xây dựng Đảng, phòng chống tiêu cực, tham nhũng…

Thứ chín, bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra xe chở hàng tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; không ban hành quy định riêng, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Thứ mười, công tác tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phải được đẩy mạnh. Phải chủ động trong thông tin, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngành văn hoá, các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm trong việc này, đây cũng là cơ hội để tăng cường tuyên truyền về truyền thống văn hoá, lịch sử, các giá trị tốt đẹp của dân tộc ta, đất nước ta. 

Mười một, kịp thời đúc rút các kinh nghiệm hay, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm, làm không hiệu quả, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Về tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bí thư là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân đứng đầu Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn. Các đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu.

Trước lãnh đạo 1.060 xã, phường, thị trấn, Người đứng đầu Chính phủ dành thời gian phân tích kỹ hơn về phương châm lấy xã, phường làm pháo đài chống dịch. Mọi người cư trú chủ yếu là ở xã, phường, thị trấn (trừ các lực lượng như quân đội, công an…), đây cũng là nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với nhân dân nhanh nhất, nhiều nhất. Do đó, cấp ủy phải lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải vào cuộc ngay tại xã, phường; cấp xã phường phải điều phối, điều hành các lực lượng tăng cường, hỗ trợ.

Thủ tướng nêu rõ, những nơi tăng cường giãn cách có sức ép rất lớn về an sinh xã hội, y tế, an ninh trật tự. Từ thực tiễn kiểm tra cơ sở những ngày vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh những việc mà cấp xã, phường, thị trấn phải làm thật tốt với sự hỗ trợ của các lực lượng tăng cường: Kêu gọi, vận động, tổ chức người dân thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch; cung cấp các gói an sinh xã hội cho người dân; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã phường; thực hiện kiểm soát việc đi lại để “ai ở đâu ở đó”. Hình thành các lực lượng vận chuyển hàng hoá đến xã phường nhưng phải bảo đảm an toàn; xã phường cùng lực lượng công an, quân đội vận chuyển đến nhân dân… Duy trì giao ban hiệu quả hằng ngày từ ban chỉ đạo cấp xã, phường lên huyện, tỉnh, Trung ương.

Thủ tướng lưu ý các xã, phường, thị trấn cung cấp ngay các số điện thoại khẩn cấp tới người dân, dán các tờ rơi tại từng gia đình, từng khu dân cư để người dân có thể gọi ngay khi đói ăn, khi ốm đau.

Thủ tướng nêu rõ, quan điểm, chủ trương đã đúng thì phải có nhận thức thống nhất, kiên trì mục tiêu và biện pháp, tăng cường nguồn lực, tổ chức thực hiện thật nghiêm, nhất quán, hiệu quả, vừa làm vừa liên tục rút kinh nghiệm để đạt mục tiêu đã đề ra. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của đồng bào, đồng chí trong và ngoài nước, của cộng đồng doanh nghiệp cho công cuộc phòng chống dịch.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm giải quyết việc hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương.  Các bộ phận trong Ban Chỉ đạo phải hoạt động theo quy chế, quy định, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì an toàn, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đã xét nghiệm nhanh cho hơn 1,5 triệu người; Đồng Nai, Long An đã xét nghiệm cho khoảng gần 1 triệu người, trong đó Bình Dương đã thực hiện 3 đợt xét nghiệm diện rộng; Đồng Nai, Long An đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm diện rộng...

Nhận định về tình hình dịch, Bộ Y tế cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn ghi nhận duy trì mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mắc cao (chiếm khoảng 30-50%).

Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần. Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây.

Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.

Tính đến ngày 28/8/2021, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều vaccine. Tính đến 26/8 có 19 tỉnh phía Nam, đã cấp 12.306.010 liều vaccine, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều (đạt 85.7%). Riêng TP. Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều (đạt 81.6%).

Đã huy động hơn 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam; điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này./.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Kế hoạch về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các sở, ngành cấp tỉnh; trong đó yêu cầu đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương
Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top