ClockThứ Năm, 04/05/2023 14:03

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 - 5/5/2023.

Báo Luxembourg nhận định về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh ChínhThủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-LuxembourgCơ hội mới cho hợp tác thương mại Việt Nam với Luxembuorg, Hà Lan, Bỉ

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel chụp ảnh chung. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Sau Lễ đón chính thức sáng 4/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Xavier Bettel.

Tại Hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Xavier Bettel thăm chính thức Việt Nam và gửi lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Luxembourg, một thành viên sáng lập, có vai trò quan trọng trong Liên minh châu Âu; đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Xavier Bettel có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Luxembourg trong hơn 20 năm qua; khẳng định mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.

Thủ tướng Xavier Bettel bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam và gặp lại Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính năm tháng sau chuyến thăm chính thức Luxembourg vào tháng 12/2022 vừa qua; cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị, chân tình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhân dân Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.

Trong không khí cởi mở, chân thành, tin cậy, hai Thủ tướng đã trao đổi toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội mỗi nước, quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Hai Thủ tướng nhất trí về các biện pháp nhằm đẩy mạnh tin cậy chính trị, làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, cũng như triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nghiên cứu thiết lập các cơ chế hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, nhu cầu hợp tác, phát triển giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong trao đổi kinh tế, thương mại hai nước, nhất là lĩnh vực đầu tư khi Luxembourg là nhà đầu tư lớn thứ ba châu Âu tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD; hoan nghênh đoàn doanh nghiệp hàng đầu Luxembourg trong các lĩnh vực thế mạnh như tài chính, ngân hàng, logistics, chuyển đổi năng lượng… tháp tùng Thủ tướng Xavier Bettel và tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg.

Hai bên nhất trí thúc đẩy xây dựng các trung tâm logistic, thiết lập hệ thống kho ngoại quan tại mỗi nước. Thủ tướng Luxembourg nhất trí triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tăng cường trao đổi thương mại hai nước; thúc đẩy các nước EU khác sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); ủng hộ tăng cường hợp tác giữa EU - Việt Nam về phát triển nghề cá bền vững và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU.

Hai bên hoan nghênh việc Bộ Tài chính hai nước thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh, trụ cột hợp tác mới, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Luxembourg, đặc biệt trong các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ về xây dựng thể chế chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp và biến đổi khí hậu… hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm. Về hợp tác phát triển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Luxembourg tiếp tục dành ODA cho Việt Nam trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, giao lưu nhân dân, du lịch, hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu… Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Luxembourg ủng hộ tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Luxembourg.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị Luxembourg tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội tại Luxembourg.

Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, ASEM, Liên hợp quốc, nhất là trong thời gian hai nước cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ việc sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Sau Hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Xavier Bettel đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là Thỏa thuận Đối tác chiến lược về tài chính xanh giữa Bộ Tài chính hai nước.

Theo TTXVN/Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Return to top