Thời tiết bất thường, thị trường có nhiều biến động, kết nối sản xuất, tiêu thụ lỏng lẻo… khiến cho sản xuất nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ càng thêm bấp bênh, khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nông dân. Trước tình hình đó, Chính phủ đã công điện và UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Bước vào vụ thu hoạch đông xuân này, bên cạnh thông tin “được mùa, được giá” khiến nông dân phấn khởi, vẫn còn nhiều cây trồng, nông sản khác gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ. Ngay ở Thừa Thiên Huế, chuyện nông dân Quảng Điền đau lòng để mặc những cánh đồng rau má từng được xem là cây làm giàu của nông dân, hoặc cắt bỏ cho cá ăn vì giá quá thấp, không bán được là một điển hình. Tương tự, cây cao su một thời cũng được xem là cứu cánh cho phát triển kinh tế vùng trung du, miền núi, nay cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chặt bỏ thì không đành, nhưng chăm sóc và thu hoạch lại không hiệu quả, do giá mủ cao su giảm sâu. Con tôm thẻ chân trắng cũng vậy. Trước đây, người dân hồ hởi đón nhận và đổi đời nhờ nuôi tôm trên cát. Nhưng nay, nhiều người trở thành con nợ vì thất bát, bởi ô nhiễm môi trường, dịch bệnh triền miên, đầu ra bấp bênh…
Nêu vài ví dụ để thấy, sản xuất nông nghiệp nói chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là sản xuất còn manh mún; vốn đầu tư cho hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; sản xuất thiếu an toàn, bền vững; chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ còn lỏng lẻo; việc đầu tư cho chế biến sâu chưa được chú trọng; thị trường tiêu thụ bấp bênh…
Với thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản cần có chiến lược tổng thể, toàn diện và một lộ trình phù hợp. Trước mắt, Nhà nước cần tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, đơn giản thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, có các chính sách ưu đãi về thuế, vốn đầu tư; hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng các mô hình mới giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tại Thừa Thiên Huế, hiện nay nhiều địa phương, HTX, trang trại đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, như trồng lúa, trồng rau hữu cơ, VietGAP, trồng rau, củ quả trong nhà màng; liên kết với các doanh nghiệp, công ty đầu tư trồng lúa, rau hữu cơ, VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn theo hướng trang trại, gia trại. Tuy vậy, phương thức sản xuất mới, các mô hình sản xuất tiên tiến còn quá khiêm tốn so với quy mô sản xuất và nhu cầu của nông dân toàn tỉnh.
Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, nông dân không còn thấp thỏm với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cần một “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp. Định hướng này cũng đã được Chính phủ, tỉnh nêu rõ trong chỉ đạo là: Tổ chức theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tuần hoàn, phát thải thấp, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Trong đó, một số giải pháp trọng tâm là, thúc đẩy phát triển HTX và các mô hình hợp tác trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đa dạng hóa sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến tinh, chế biến sâu. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; phát triển đa dạng chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ nông sản…
Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là phát huy vai trò chủ động của người nông dân. Bởi họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng lợi trực tiếp nên mọi chính sách chỉ là động lực, còn việc thực hiện không ai khác ngoài nông dân. Chuyển được nhận thức, tư duy, khát vọng làm giàu của nông dân sẽ là chìa khóa mở đường, quyết định thành công trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.