“Treo” 10 năm
Năm 2006, Công ty TNHH Du lịch thương mại Á Đông được UBND tỉnh cấp phép thực hiện Dự án Khu du lịch Bí ẩn Làng Hành hương tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc. Dự án xây dựng trên diện tích 50 ha, số vốn đầu tư lên đến 150 tỷ đồng; bao gồm các hạng mục như khu nghỉ dưỡng, bãi đỗ xe, khu giải trí… Theo giấy phép, dự án sẽ được xây dựng năm 2007 và đưa vào hoạt động năm 2009, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Nhà xuống cấp nhưng người dân không thể sửa chữa được vì nằm trong vùng dự án treo
Ông Lương Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: “Năm 2006, có công ty đầu tư dự án ở xã Lộc Bình, lãnh đạo xã và người dân rất phấn khởi, người dân nhất trí cao với việc giao 50 ha đất đang sản xuất cho dự án. Thời gian trôi qua, dự án vẫn án binh bất động. 13 hộ, 64 khẩu bị ảnh hưởng gặp khó khăn trong sửa sang nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất.
Trong khi dự án để đất trống, một số cá nhân muốn đầu tư du lịch cộng đồng nhưng lại vướng dự án. Ngoài ra, một số người dân địa phương muốn đầu tư, kinh doanh trên bãi biển để phục vụ du khách cũng không yên tâm vì sợ dự án triển khai bất ngờ. Việc Dự án Khu du lịch Bí ẩn Làng Hành hương “treo” gần chục năm nay không chỉ cản trở sự phát triển dịch vụ của địa phương mà đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhà của bà Trần Thị Hà, ở thôn Hải Bình được xây bằng bờ lô cách đây hơn 25 năm đang xuống cấp trầm trọng, nhưng nhiều năm nay vẫn không thể phá bỏ để xây mới. Xã thì không dám cấp phép cho xây mới vì trái quy định. Nếu người dân tự ý xây mới thì lại không được đền bù. Tương tự, ông Lê Viết Sơn, ở thôn Hải Phú, cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha đất bị ảnh hưởng bởi dự án, nhưng dự án không đầu tư xây dựng, đất bỏ trống gia đình tôi đầu tư phát triển sản xuất nhưng lại thấp thỏm, lo sợ vì không ổn định”.
Tháo gỡ
Sau khi được cấp giấy phép, chủ đầu tư của Dự án Khu du lịch Bí ẩn Làng Hành hương yêu cầu UBND xã Lộc Bình kiểm kê đất của các hộ dân bị ảnh hưởng để tiến hành đền bù. Tuy nhiên dự án này đã dừng lại sau đó, khiến các hộ dân lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” và chưa nhận được tiền đền bù.
Bên cạnh những hộ dân bất an vì không thể xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hàng chục hộ dân khác cũng lo lắng vì hàng chục hecta rừng bước vào giai đoạn sắp thu hoạch. Nếu dự án triển khai thì phải có phương án đền bù tài sản cho các hộ dân để họ mua đất nơi khác sản xuất.
Ông Lương Thế Vĩnh, kiến nghị, để tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, UBND xã Lộc Bình đã nhiều lần đề nghị các cơ quan cấp trên có hướng giải quyết hoặc thu hồi dự án trong thời gian sớm nhất. Tại các buổi tiếp xúc cử tri với HĐND tỉnh hoặc Đoàn Đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị về dự án này nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Ông Phan Thiên Định, TUV, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, thời gian qua, Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại thì diện tích đất thuộc dự án có một phần đất của Bộ Quốc phòng. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến UBND tỉnh chọn một trong hai phương án, một là điều chỉnh dự án theo hướng phù hợp hơn, hai là thu hồi dự án trong thời gian sớm nhất.
Bài, ảnh: Thanh Thuận