Một tín hiệu khả quan trong phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế được đề cập tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của UBND tỉnh là, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 3,83% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, chỉ số IIP tăng 5,26% so với cùng kỳ. Đặt trong tương quan chung cả nước, chỉ số IIP 10 tháng của tỉnh cao hơn nhiều con số 3,3% của cả nước. Đây không chỉ là thành công của riêng ngành công nghiệp, mà là kết quả nỗ lực chống dịch của tỉnh. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành công nghiệp của tỉnh trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trong cơ cấu phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế, du lịch - dịch vụ được đặt lên hàng đầu, tiếp đó là công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, với tác động của đại dịch COVID-19, ngành du lịch - dịch vụ hầu như bị ngưng trệ khi thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Vì vậy, đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế địa phương trong 2 năm qua rất thấp, nhất là lĩnh vực du lịch.
Với ngành nông nghiệp, tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và mức tăng trưởng trong điều kiện bình thường vốn đã thấp, nay bị tác động của dịch bệnh càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có sức chống chịu bền bỉ và trở thành trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp vào tăng kim ngạch xuất khẩu.
Còn ngành công nghiệp, sau những chao đảo, biến động lớn bởi đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ năm 2020, sang năm 2021 các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chủ động tích trữ, đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu; đa dạng hóa thị trường; áp dụng triệt để các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh trong nhà máy... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ cơ hội để đón các đơn hàng, tăng tốc sản xuất khi các tỉnh phía nam phải thực hiện giãn cách xã hội.
Hiện nay, với việc chuyển mục tiêu chống dịch từ không COVID-19 trong cộng đồng sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và ngay cả khi xuất hiện dịch cũng chỉ thực hiện phong tỏa hẹp ở quy mô xã, phường, thậm chí nhỏ hơn là tổ, cụm dân cư. Khi việc lưu thông hàng hóa, nguyên phụ liệu thuận lợi, người lao động được trở lại nhà máy, các doanh nghiệp sẽ dần “khỏe” lại, từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong điều kiện bình thường mới.
Tuy nhiên, một yêu cầu đặt ra lúc này là cần có những giải pháp đồng bộ, kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình mới. Trước hết là thực hiện thống nhất, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, khó càng thêm khó.
Lắng nghe, đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là điều Đảng, Nhà nước luôn quan tâm. Thời gian qua, nhiều chính sách, cuộc đối thoại giữa Chính phủ, các bộ ngành, địa phương với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã được triển khai thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài các chính sách của Nhà nước, từng địa phương cũng cần có giải pháp phù hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Với Thừa Thiên Huế, hội nghị về thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng sẽ diễn ra ngày hôm nay (5/11). Qua hội nghị này, hy vọng nhiều đề xuất, kiến nghị chính đáng của các doanh nghiệp được cụ thể hóa thành những giải pháp phù hợp vừa gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa tiếp thêm niềm tin cho các nhà đầu tư.
Hoàng Minh