|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung phân tích, đóng góp ý kiến cho dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 |
Chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Cần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh
Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, KT-XH của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,84% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước là 4,24%. Năm 2023, UBND tỉnh tập trung hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng.
Dù vậy, năm 2023, một số chỉ tiêu dự kiến chưa đạt như kỳ vọng đề ra. Ông Vui cho rằng, có nhiều lý do gây khó khăn cho nền kinh tế, đó là việc ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới và hậu quả của dịch COVID-19; tình trạng dôi dư người lao động, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi còn ở mức cao; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa và hoạt động văn hóa còn khó khăn…
Liên quan đến dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, ông Vui cho biết, tỉnh tập trung mọi nguồn lực, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2024. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương.
Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị xuất khẩu lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu….
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cũng cho biết về dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024. Trong đó đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GRDP: 8,5-9,5%; GRDP bình quân đầu người: 3.000 USD; vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 10% trở lên; phấn đấu thực hiện thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% trở lên…
Dự kiến có 6 chương trình trọng điểm trong năm 2024, gồm chương trình phát triển đô thị; chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thẳng thắn làm rõ các vấn đề để xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và kế hoạch phát triển 5 năm. Trong đó, lưu ý đến câu chuyện về cơ chế, không gian, môi trường phát triển; phân tích các khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ; xem xét vấn đề phân bổ nguồn lực để phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
|
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức đóng góp ý kiến tại hội thảo |
Kế hoạch phải đảm bảo tính khả thi
Thảo luận tại hội thảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức thông tin về những chuyển biến của ngành. Đáng chú ý, 3 nhóm sản phẩm chủ lực duy trì sự phát triển; nông nghiệp công nghệ cao cũng có bước đột phá.
“Nông dân đã có những chuyển biến trong tư duy sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ; du lịch nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cũng đã tìm ra những bộ giống lúa thích hợp, sản xuất nuôi ươm cá nâu… Dù vậy, hiện nay, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần điều chỉnh Nghị quyết 20 để phù hợp với người dân”, ông Đức nói.
Cũng lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách trăn trở trước thực trạng thiếu đầu ra đối với các sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ông Bách mong muốn có nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ về thực trạng này.
Nhằm tạo lợi thế cho lĩnh vực văn hóa - du lịch, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cho rằng cần sớm hình thành không gian trưng bày, triển lãm, trình diễn ngành nghề thủ công truyền thống. Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Phan Thanh Hải đề nghị tỉnh quan tâm nhiều hơn đến văn hóa di sản, tăng cường các hoạt động giao lưu, tương tác về văn hóa.
|
Công nhân làm việc ở xưởng sản xuất của nhà máy Kim Long Motors tại Thừa Thiên Huế |
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, số hóa cần tạo ra giá trị để người dân thụ hưởng. Trên lĩnh vực kinh tế số nên quan tâm đến các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Ông Phương đề nghị, các sở, ngành, địa phương phải hết sức quan tâm đến việc lập kế hoạch nhiệm vụ năm 2024; Sở Kế hoạch và Đầu tư lưu ý ý kiến của các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện kế hoạch, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với nguồn lực đảm bảo thực hiện. Các sở, ngành, địa phương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như, tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung hỗ trợ, duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi, phát triển KT-XH…