Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”; nhằm kêu gọi các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên”.
Tại Việt Nam, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1250/TTg-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu năm 2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nằm trong vùng sinh thái Trung Trường Sơn, có rừng, có biển, hệ đầm phá rộng lớn và nhiều sông suối, ao hồ... Thừa Thiên Huế có nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú. Chỉ tính riêng khu đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã thống kê được tổng số loài tại khu vực này là 1.296 loài; trong đó có 41 loài quý hiếm, gồm 295 loài thực vật phù du, 50 loài thực vật bậc cao, 73 loài rong và thực vật thủy sinh, 119 loài động vật phù du, 215 loài động vật đáy, 361 loài cá và 137 loài chim; được coi là vùng có tính đa dạng sinh học rất cao. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 4 khu rừng đặc dụng: Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao La và vùng rừng đặc dụng phía Tây Nam, với những giá trị tài nguyên quý hiếm...
Ngày 12/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 459/KH-UBND hành động về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Kế hoạch triển khai những nội dung, nhiệm vụ chính; trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; tổ chức rà soát, đánh giá, nghiên cứu đề cử nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh; bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù...
Trước đó, nhiều hoạt động bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái trên địa bàn đã được chính quyền, các tổ chức, ban ngành quan tâm, mang lại hiệu quả rõ nét. Chẳng hạn như việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai. Qua 3 năm thành lập, với những biện pháp cụ thể, thiết thực như trồng rừng ngập nước; khoanh vùng, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, cấm đánh bắt tận diệt... hệ sinh thái Tam Giang - Cầu Hai từng bước được phục hồi, cá tôm và một số loài thủy sản đã sinh sôi trở lại. Giờ đây, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành tour du lịch được nhiều người biết đến.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong bảo tồn đa dạng sinh học thì trong thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Nổi bật là nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt xã thải ra môi trường ảnh hưởng đến môi trường sống của động thực vật... vẫn còn xảy ra. Cần tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để đạt được kết quả tích cực hơn trong thời gian tới. Bởi, bảo tồn đa dạng sinh học cũng chính là bảo tồn môi trường sống, không chỉ có lợi trong hiện tại mà còn cho tương lai.