Tung tin đồn thất thiệt không phải là chuyện lạ trong kinh tế thị trường. Tháng 7/2003, một quyển sách được chào đón khá nồng nhiệt tại Pháp với tựa đề “Les rumeurs économiques” (Tin đồn trong kinh doanh). Tác giả Nicole Métat cho rằng, hằng năm, châu Âu thiệt hại hơn 2 tỉ USD do tin đồn đủ kiểu. Cùng theo tác giả của cuốn sách, chiêu thức tung tin đồn cũng không có gì đặc biệt, chủ yếu xoáy sâu vào 2 hướng là sáp nhập công ty và các loại sản phẩm.
Tin đồn bịa đặt tác động đến tâm lý, gây căng thẳng, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhà sản xuất cũng bị tấn công mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào phá sản vì hàng hóa ế đọng, không thể tiêu thụ. Khi xã hội rộ lên tin đồn trứng gà làm bằng nhựa trông như thật trà trộn trên thị trường, hậu quả là hàng vạn hộ dân nuôi gà không thể bán được trứng, thua lỗ nặng nề. Hay tin đồn ăn bưởi bị ung thư ở đồng bằng sông Cửu Long khiến người trồng bưởi ở đây nợ ngân hàng chồng chất vì bưởi đến mùa không ai mua.
Để ngăn chặn “chiến tranh tin đồn”, vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý phải nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ. Việc công bố có thể thực hiện ngay thông qua thông cáo báo chí, phát biểu trước truyền hình chứ không thể theo hình thức công văn có tốc độ “ì ạch”. Về phía người dân, việc tỉnh táo trước “bão tin đồn” là cần thiết. Nhiều người do không rõ thông tin thực hư và cũng không có điều kiện tìm hiểu, đã hành động theo thói quen, theo cảm tính hoặc theo phong trào. Trước những tin gây sốc, mỗi người phải thực sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ tin chính thống được công bố trên truyền hình, báo chí.
Tiến sĩ Vũ Trung Quý, Học viên An ninh nhân dân đưa ra 4 giải pháp ngăn chặn tin đồn thất thiệt. Đó là: Cần hình thành, phát triển sự “miễn dịch tâm lý” đối với tin đồn trong quần chúng; nhanh chóng điều tra, truy nguyên nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn để chủ động ngăn chặn sự lan rộng của nó, hạn chế tác động tiêu cực. Tập trung làm rõ nội dung tin đồn; cuối cùng là xử lý thích đáng những đối tượng tung tin đồn thất thiệt.
“Miễn dịch tâm lý” là phải xây dựng ở mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội nền tảng vững về tri thức, làm tăng sức đề kháng, làm cho tin đồn không có đất tồn tại. Theo đó, cần cung cấp thường xuyên, kịp thời, chính xác các quan điểm của Đảng, Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; thông tin về những vấn đề nổi cộm, dư luận chú ý; về âm mưu, thủ đoạn kẻ xấu… Không đưa tin mập mờ gây thắc mắc, tò mò, dễ hiểu nhầm. Báo chí và cơ quan chức năng cần thông tin, hướng dẫn, hình thành dư luận tích cực.
Đan Duy