Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống để Tổ quốc có được nền độc lập, hòa bình hôm nay. Ảnh: nhandan.vn
77 năm trước, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng do Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là đã đưa nhân dân Việt Nam từ đêm trường nô lệ đứng dậy đập tan xiềng xích thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do và độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình.
"Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" là động lực hiệu triệu muôn người như một thành bệ đỡ sức mạnh để một Đảng cộng sản mới 15 tuổi, với đường lối chính trị đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc.
Tinh thần ấy từ những ngày đầu lập quốc chính là bài học về khơi dậy, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ những giá trị nhân loại, thể hiện trong Quốc hiệu của nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ. Suốt 77 năm qua, cho dù là chính thể "Việt Nam dân chủ cộng hòa" theo Sắc lệnh số 49 ngày 12/10/1945 hay "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Quyết định của Quốc hội khóa VI từ ngày 2/7/1976 cho đến nay, khát vọng "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" vẫn không thay đổi, ngày một được mở rộng nội hàm, được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng.
Kỷ niệm Quốc khánh 2/9, chúng ta tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Tổ quốc mãi mãi ghi công các Anh hùng, liệt sĩ, đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các bậc lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với nước; tới đồng bào và chiến sĩ cả nước đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Suy ngẫm về Quốc khánh 2/9, trước hết là trở về nền tảng nhận thức vai trò và sức mạnh nhân dân, mục tiêu cách mạng là vì lợi ích của nhân dân; lẽ tồn tại của Đảng và bộ máy Nhà nước là vì dân phục vụ. Bổ sung mục tiêu "dân giám sát, dân thụ hưởng" theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng vào phương châm hành động "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" ra đời từ Đại hội V của Đảng, là cả một bước chuyển dài nhận thức, khởi đầu từ Tuyên ngôn độc lập khẳng định "quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" của dân tộc Việt Nam.
Qua hơn 35 năm đổi mới, thế và lực đất nước ngày một lớn mạnh, song nội hàm câu nói của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị thôi thúc, dẫn dắt: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (Báo Cứu quốc, 17/10/1945). Dưới ánh sáng của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa đã có thêm những tiếp cận mạnh mẽ, cụ thể hơn để tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với tăng trưởng GDP bình quân 7% trong 35 năm qua, sáu tháng đầu năm 2022 sau đại dịch, chúng ta vẫn nỗ lực đạt mức GDP tăng 6,42%. Việt Nam đã vào tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất; tham gia 15 hiệp định FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới; thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021; tổ chức thành công SEA Games 31 giữa đại dịch; vừa tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế…
Tích cực chủ động hội nhập, nâng cao tiềm lực, sức cạnh tranh quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững an ninh quốc gia; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ… từ kinh tế đến văn hóa, đối nội đến đối ngoại, hợp tác song phương hay đa phương… trong tất cả đều lấp lánh khát vọng "tự do", phương châm "độc lập" ở những chiều kích, kỳ vọng mới, vì lợi ích Tổ quốc, nhân dân.
Sau 77 năm ra đời nhà nước dân chủ nhân dân, tiến trình đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay vẫn tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cơ bản của cuộc cách mạng năm xưa trên những tầm cao mới. Đó là quá trình thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.".
Đó là nhà nước mà theo Hiến pháp năm 2013, "quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Thực tiễn cách mạng mới đòi hỏi Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" phải tập trung nghiên cứu, giải quyết những vấn đề cơ bản như: Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp; đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp…
Kỷ niệm Quốc khánh 2/9 càng có ý nghĩa khi chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021.
Cùng với Kết luận 21, hàng loạt văn bản quan trọng như: Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền; Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Hướng dẫn 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực… đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên,170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng… Đó là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng; là quyết tâm nâng cao uy tín của Đảng, sức mạnh của chế độ, củng cố lòng tin của nhân dân.
Cuộc đấu tranh với suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tệ "quan cách mạng" vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân, đang ngày càng khẩn trương, quyết liệt. Sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới đòi hỏi điều đó! Nhu cầu đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên đòi hỏi điều đó! Nhân dân tin tưởng, ủng hộ, giám sát điều đó!
Mùa thu năm 1945, chỉ với 5.000 đảng viên, hoạt động trong bí mật với muôn vàn gian khổ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công! Với 5,2 triệu đảng viên trong vai trò đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay để đưa đất nước tới thịnh vượng, hùng cường, trách nhiệm nặng nề, song rất vinh quang.
Bài học và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mãi mãi cổ vũ, soi đường chúng ta đi!
Theo nhandan.vn