ClockThứ Hai, 18/11/2019 08:47

Trách nhiệm người ở lại

TTH - Năm 2005, Liên Hiệp Quốc chọn ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm để tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Việt Nam hưởng ứng các hoạt động này từ năm 2012.

Cùng cộng đồng giảm thiểu tai nạn giao thôngPhong Điền: Tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông

Năm nay, các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại Việt Nam được tổ chức ngày 17/11 trên phạm vi cả nước với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”. 

Một trong những hoạt động chương trình hướng đến là kêu gọi mỗi người dân dành một phút để tưởng niệm những nạn nhân tai nạn giao thông. Đó là giây phút để nhìn nhận rõ hơn những thiệt hại khủng khiếp về kinh tế, xã hội mà tai nạn giao thông gây ra, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, bi đát.

Một con số nhức nhối khi mỗi năm, trên toàn thế giới, tai nạn giao thông làm 1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương, thiệt hại 2% tổng GDP (hơn 1.500 tỉ USD).

Tại Việt Nam, mỗi ngày có hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không về nhà. Dù được đánh giá giảm sâu nhất trong nhiều năm nhưng 10 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người.

Tại Thừa Thiên Huế, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Năm 2019, trong khi các tiêu chí trên cả nước được kéo giảm thì trên địa bàn tỉnh, cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) đều tăng trên 20%. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 412 vụ tai nạn giao thông làm chết 104 người, bị thương 398 người. So với 6 tháng đầu năm 2018 tăng 69 vụ, tăng 25 người chết, tăng 84 người bị thương.

Đằng sau những con số lạnh lùng là nỗi ám ảnh dai dẳng về sự mất mát, đau thương mang tên tai nạn giao thông. Như cái chết của người mẹ nghèo ở thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cách đây 2 năm. Ngày 28 tết, chị lên chợ huyện mua cho con tấm áo mới. Nhưng người mẹ ấy đã vĩnh viễn không về, để lại hai con nhỏ và người chồng mất sức lao động.

Dành một phút tưởng niệm trên 6.000 người chết mỗi năm trên cả nước, cũng là lúc đối diện câu hỏi: Vì sao tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối, là gánh nặng của xã hội dù nhiều giải pháp đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương?

Câu trả lời đã được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chỉ ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019 cách đây 3 tháng. Đó là công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; một số nơi hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém…

Làm gì để vá lổ hổng tai nạn giao thông khi nguyên nhân đã được nhận diện là trách nhiệm của những người ở lại, để mỗi ngày, không còn quá nhiều người ra đường và vĩnh viễn không về nhà...

 Không chỉ là ý thức của mỗi người tham gia giao thông hay vấn đề hạ tầng, phương tiện...; giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông còn là năng lực, trách nhiệm, lương tâm của bộ máy thực thi công vụ...

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS:
Số ca nhiễm và tử vong do HIV giảm đáng kể

Số ca nhiễm mới và tử vong do HIV đã và đang ghi nhận sự giảm đi đáng kể trên toàn thế giới, đánh dấu bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Số ca nhiễm và tử vong do HIV giảm đáng kể
Return to top