Người dân khai báo thông tin trước khi vào chợ ở TP. Huế
Dịch bùng phát ở Việt Nam lần này là đợt thứ 4. Một đặc điểm rất khác biệt so với các đợt dịch trước là bùng phát ở nhiều khu công nghiệp. Đã là khu công nghiệp nên lượng công nhân làm việc với mật độ rất cao. Chính vì vậy mà sự lây lan nhanh hơn, tình hình phức tạp hơn và độ nguy hiểm cũng lớn hơn. Tính qua 4 đợt dịch bùng phát ở Việt Nam, đến 12h ngày 17/5, Việt Nam có 4.242 người mắc COVID-19. Trong khi đó đợt dịch lần thứ 4 này, tính từ ngày ngày 27/4 đến ngày 17/5 đã có 1.078 ca mắc mới. Tức là trong vòng 20 ngày, tỷ lệ ca mắc mới đã chiếm gần ¼. Và tình hình có vẻ như chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tất nhiên, tư tưởng phòng chống dịch không chủ quan, lơ là ở bất cứ nơi nào nhưng có lẽ, hai yếu tố cần chú ý nhất là “yếu tố xâm nhập bệnh từ bên ngoài” (như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định) và đặc biệt chú trọng ở các khu công nghiệp.
Sau nhiều năm phát triển, Thừa Thiên Huế đã hình thành nhiều khu và cụm công nghiệp, trong đó có nhiều công ty nước ngoài. Hơn nữa, Thừa Thiên Huế cũng có đường biên giới kéo dài ở phía tây của tỉnh. Cho nên kiểm soát chặt việc xâm nhập trái phép là điều cần lưu ý. Ở các khu công nghiệp, kiểm soát chặt nguồn nhân lực là chuyên gia (nếu có) và quân số công nhân. Ai di chuyển ra khỏi địa bàn khi quay về phải khai báo y tế. Cần kiểm tra thường xuyên công tác phòng chống dịch ở những nơi này. Làm tốt điều này, chúng ta sẽ loại trừ được yếu tố xâm nhập bệnh từ bên ngoài.
Đối với các khu công nghiệp đông công nhân, đợt bùng phát dịch lần này, nhiều tỉnh thừa nhận là chưa có kinh nghiệm trong phòng chống dịch ở các khu công nghiệp.
Ví dụ như tỉnh Bắc Giang, tại Công ty Hosiden Việt Nam, Khu CN Quang Châu, huyện Việt Yên khi phát hiện ca đầu tiên vào ngày 15/5, sau đó xét đã ghi nhận số ca dương tính đến 37,9% trên tổng số mẫu xét nghiệm. Phải sắp xếp cách ly, xét nghiệm cho một lượng lớn công nhân là cả một vấn đề đòi hỏi về nguồn nhân lực, cơ sở lưu trú và thiết bị y tế hết sức phức tạp. Những tỉnh có nhiều khu công nghiệp, có lẽ cần thiết có một cuộc trao đổi (có thể theo phương thức trực tuyến) về phương án phòng chống dịch và lên một “bộ khung” phòng chống dịch riêng cho các khu công nghiệp. Vì các khu công nghiệp có những đặc điểm riêng nên có phương án phòng chống dịch riêng.
Không hoảng loạn, mất tinh thần cũng là một yêu cầu về mặt tư tưởng cần trang bị cho mọi người. Chúng ta thấy nhiều sự cố xảy ra trên thế giới, phần lớn đều diễn ra sự hoảng loạn. Có khi người chết và bị thương do dẫm đạp, chèn ép nhau… còn nhiều hơn do sự cố gây ra. Lại có một hình ảnh trái ngược khác từ sự cố sóng thần ở Nhật Bản cách đây 10 năm – 2011, từng đoàn xe nối nhau dài dằng dặc chạy trốn sóng thần trong trật tự. Điều này có được, chắc hẳn, Chính phủ Nhật đã trang bị cho người dân một tư tưởng, tâm lý, cách thức ứng phó với những thảm họa.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý tránh 2 khuynh hướng trong phòng chống dịch, hoặc là lơ là, chủ quan, hoặc là hoang mang, mất bình tĩnh trước dịch bệnh.
NGUYÊN LÊ