Quốc hội thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước tại hội trường. Ảnh: Internet
Đầu phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận định, năm 2017, kinh tế đã có bước tăng trưởng ngoạn mục (GDP tăng 6,81%, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đặt ra). Quý I/2018, mức tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 10 năm vừa qua (đạt 7,38%). Thành tựu của năm 2017 thể hiện Chính phủ đã quyết tâm rất cao. Thủ tướng Chính phủ đã sát sao điều hành, chỉ đạo, kiên định trước những nghi ngờ tăng trưởng không đạt kế hoạch.
Đại biểu cũng lưu ý, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm, thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng. Báo cáo của Chính phủ nêu, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác tài nguyên dầu thô.
Tuy nhiên, 1 triệu tấn dầu thô đóng góp khoảng 0,2 đến 0,3 điểm tăng trưởng nên nếu không có 1,29 triệu tấn dầu tăng thêm thì tăng trưởng chỉ đạt mức 6,4 - 6,6%.
"Như vậy, tuy tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ nội lực sản xuất kinh doanh, nội lực của nền kinh tế không đạt như kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu. Đây là khoảng lặng của tăng trưởng năm 2017 cần phải được nhìn nhận". Đại biểu Hàm nhấn mạnh.
Tranh luận sau đó, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) bày tỏ đánh giá của đại biểu Hoàng Quang Hàm là chưa thỏa đáng đồng thời thắc mắc về nguồn gốc số liệu đại biểu nêu. Đại biểu Chiểu trích dẫn số liệu từ báo cáo số 198 của Chính phủ nêu rất rõ lượng dầu thô khai thác năm 2016 là 12,5 tr tấn; năm 2017, khai thác 15,557 ngàn tấn, tăng so với kế hoạch khoảng 20.000 tấn và hụt 1,643 ngàn tấn so với 2016. Do 1 triệu tấn dầu thô tương đương 0,25 điểm tăng trưởng nên so với 2016, nước ta tăng trưởng âm về dầu thô. Ngoài ra, sản lượng khai thác về than cũng đang hụt so với kế hoạch gần 2 triệu tấn.
"So với 2016, công nghiệp khai thác dầu, xi măng, than đều tăng trưởng âm. Điểm ấn tượng nhất đối với tôi trong điều hành của Chính phủ là từ trước đến nay, năm 2017 là năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên và khai khoáng". Đại biểu Trần Quang Chiểu bày tỏ quan điểm.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm lý giải số liệu về khai thác dầu thô nêu ra từ báo cáo 193 của Chính phủ ngày 16/5/2018 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017 và triển khai dự toán năm 2018.
Đánh giá cao Chính phủ trong việc thoát dần lệ thuộc vào dầu thô, khoáng sản vì đây là "của để dành", đại biểu Hàm tiếp tục mong muốn bức tranh tăng trưởng cần được nhìn nhận thực chất vì tăng trưởng từ dầu thô là do khai thác tài nguyên, không phải xuất phát từ sản xuất kinh doanh nội lực nền kinh tế.
Tiếp tục tranh luận với đại biểu Hàm về vai trò của dầu thô trong tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) thống nhất với ý kiến của đại biểu Trần Quang Chiểu và minh họa thêm bằng con số thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo Báo cáo 198 của Chính phủ, năm 2017, tổng thu NSNN là 1.288.660 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô 49.580 tỷ (chiếm tỷ lệ không lớn là 3,8%). Xét con số tăng trưởng về giá trị, tổng thu tăng 76.480 tỷ đồng, trong đó dầu thô tăng 11.280 tỷ đồng (chiếm 14,75%).
Đồng ý với đại biểu Hoàng Quang Hàm rằng, khai thác dầu thô tăng và có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế nước ta thời gian qua tăng trưởng chủ yếu từ thu nội địa. Cụ thể, số thu nội địa tăng 41.880 tỷ đồng (chiếm 54,75% trong tổng thu NSNN năm 2017.
Đan Duy
(Theo Hà Nội Mới)