Năm 2018, nhận thấy tiềm năng từ nông đặc sản chuối già lùn của đồng bào vùng cao A Lưới, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (thuộc Trường Đại học Nông lâm Huế) và Central Group Việt Nam đã phối hợp triển khai chương trình “Sinh kế cộng đồng”, với mục tiêu hỗ trợ nông dân ở đây phát triển nông nghiệp bền vững. Bước đầu, mô hình tạo sinh kế cho hơn 30 hộ nông dân trồng chuối, đồng thời mở thêm cơ hội cho mặt hàng nông sản vốn có tiềm năng của Thừa Thiên Huế.
Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh đang là xu hướng, chủ trương lớn của Việt Nam. Tại buổi làm việc với ngành nông nghiệp đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp, phấn đấu khoảng 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nước có thị trường xuất khẩu, chế biến nông sản lớn nhất thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp cả nước đạt kỷ lục, với 40 tỷ USD. Việt Nam hiện đang là cường quốc về xuất khẩu nông sản, sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngoài những mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, nhiều loại nông sản mới như quả xoài, thanh long, nhãn, vải... đã có mặt ở các thị trường khó tính. Mới đây, quả chanh dây-một loài cây dễ trồng và rất rẻ ở Việt Nam - đã được đầu tư phát triển chiều sâu, xuất sang thị trường Pháp, Mỹ, Anh với giá trị lên đến 400.000 đồng/kg, tạo thu nhập hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân trồng chanh dây.
Tại Thừa Thiên Huế, sau gần 10 năm hình thành, hiện đã có 10 chuỗi/15 sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Một số sản phẩm đã tìm được đầu ra như rau má ở xã Quảng Thọ, rau ở Quảng Thành (huyện Quảng Điền); hành lá tại phường Hương An (TX.Hương Trà); khổ qua tại TX. Hương Thủy, thanh trà ở Thủy Biều...Dù có chuyển biến nhưng quy mô các chuỗi còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo được mũi nhọn có tính đột phá. Cơ cấu ngành nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa. Cả tỉnh hiện có 1.100 ha lúa, 103 ha rau ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất lúa hữu cơ chỉ có 353 ha. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đang được phát triển với 26 mô hình nhà lưới nhưng tổng diện tích chỉ có 20.000m2. Năm 2018, giá trị sản xuẩt nông lâm, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp chiếm 11,6% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ngoài chuối già lùn, chỉ riêng ở A Lưới, có thể phát triển nhiều nông đặc sản có giá trị hàng hóa như gạo ra-dư, nếp cẩm, thịt bò một nắng, thịt lợn bản xông khói, muối trứng kiến vàng, rượu sim...Hay quả thanh trà là một đặc sản nông nghiệp có tiềm năng phát triển của tỉnh nhưng chưa tạo được giá trị xuất khẩu vượt trội.
Để bắt kịp xu thế nông nghiệp thông minh, tăng giá trị kinh tế cho nông sản, đảm bảo ổn định sinh kế cho nông dân và tiến tới làm giàu từ nông nghiệp, ngoài sự định hướng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần có nhiều hơn những cái bắt tay giữa doanh nghiệp-nhà khoa học-nông dân, trong việc tìm cây, con, sản phẩm phù hợp, ứng đụng khoa học công nghệ, tìm thị trường... mà mô hình sản xuất-tiêu thụ chuối già lùn A Lưới là một câu chuyện.
Nhật Nguyên