Báo chí phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, về những giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông. Ảnh: DT
Một số luận điệu cho rằng, Nhà nước Việt Nam ngăn cản hoạt động báo chí, cấm các hoạt động của những nhà “dân chủ”, “nhân quyền” đưa ra ý kiến phản biện. Pháp luật hạn chế, bưng bít thông tin, bịt tai, che mắt quyền tự do ngôn luận của người dân, không cho thành lập các báo, nhà xuất bản tư nhân. Một số cá nhân tự lập ra cái gọi là “Hội nhà báo độc lập” nhằm chống lại Nhà nước, chống lại tổ chức của những người làm báo chân chính. Xảo trá hơn chúng đưa ra thông tin xuyên tạc cho rằng nhà nước “cấm vận” người dân qua Luật Báo chí, Luật Xuất bản. Đáng chú ý, năm 2018 khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật An ninh mạng, một số tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tự do ngôn luận, “tiếng nói của người dân yêu nước” đã liên tục lên tiếng đòi Quốc hội không được thông qua luật, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối. Chúng cố tình không cần biết đã có hơn 100 quốc gia ban hành luật loại này, trong đó có nhiều nước lớn, các nước phương Tây. Bên cạnh đó, cũng không ít kẻ ra sức ca ngợi tự do ngôn luận, tự do báo chí của các nước phương Tây coi như đó là hình mẫu mà Việt Nam phải học để nâng cao dân trí, cải thiện tự do...
Về mặt lý thuyết, giai cấp nào lãnh đạo nhà nước cũng sẽ định đoạt, điều chỉnh các quan hệ xã hội thông qua hệ thống pháp luật, trong đó có các luật về báo chí. Điều đó không chỉ với Việt Nam mà cả với các nhà nước phương Tây, không kể chế độ xã hội chính trị. Nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Từ bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1791 đến nay, Hiến pháp của Mỹ không có khái niệm về cấm tự do báo chí. Quốc hội Mỹ không được ban hành đạo luật riêng về hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận. Vậy nhưng, Tòa án Tối cao Liên bang và chính quyền các bang ở Mỹ vẫn ban hành các văn bản để điều chỉnh hoạt động của báo chí. Các văn bản cũng đưa ra các nội dung mang tính hạn chế về các hoạt động báo chí có phương hại đến an ninh quốc gia và bảo vệ chính quyền hiện hữu. Ở Pháp, dưới thời Tổng thống Sarcozy còn quy định các Tổng biên tập cơ quan báo chí phải được xét duyệt và được Tổng thống quyết định. Tương tự như vậy, ở Cộng hòa Liên bang Đức hay một số nước phương Tây khác cũng có những quy định nhằm hạn chế lợi dụng quyền tự do báo chí để chống nhà nước.
Tác nghiệp tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019. Ảnh: HL
Từ khi thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt các quyền cơ bản của người dân trên vị trí hàng đầu, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Hiến pháp Nhà nước từ bản đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp sửa đổi 2013 đã chứng minh rõ điều đó. Điều 25, Hiến pháp Việt Nam (2013) nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí (2016) đã xác định báo chí là “diễn đàn của Nhân dân” và quy định 13 hành vi bị cấm trong hoạt động liên quan. Báo chí chỉ bị hạn chế trong các trường hợp có liên quan quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước, trật tự xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng. Như vậy, các văn bản luật đã xác định quyền và các hoạt động tự do của báo chí, quyền ngôn luận của mọi công dân. Không thể nói người dân bị tước quyền tự do ngôn luận, không được thể hiện quan điểm cá nhân đăng tải trong báo chí.
Chúng ta đang có một hệ thống báo chí đông đảo, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân. Hiện có 1 hãng thông tấn quốc gia, 845 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh truyền hình, 179 kênh truyền hình, 98 cơ quan báo điện tử, 1.525 trang thông tin điện tử, hơn 58 triệu thuê bao kết nối mạng xã hội (chiếm hơn ½ dân số). Các con số nêu trên chứng minh Việt Nam tôn trọng báo chí, không hạn chế báo chí hoạt động hợp pháp, tôn trọng tự do ngôn luận của người dân. Không những thế chúng ta có quyền tự hào là quốc gia tôn trọng hoạt động báo chí, tiếp thu và nâng cao những nhân tố tiến bộ về tiếp cận thông tin của người dân như các nước tiên tiến khác. Báo chí không chỉ thông tin đầy đủ tình hình chính trị xã hội nói chung mà còn là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Báo chí được tham gia các hoạt động do nhà nước, các tổ chức xã hội thực hiện trên toàn lãnh thổ và không bị ngăn cấm. Tổ chức báo chí và những người làm báo đã góp phần tích cực, có hiệu quả các mặt quản lý xã hội của nhà nước và là nhân tố không thể thiếu trong đấu tranh chống tham nhũng. Như vậy để thấy rằng tự do báo chí ở Việt Nam là thực chất trên cơ sở luật pháp và thực tiễn đang diễn ra.
PHƯỚC KHÁNH