Mặc dù đã bước sang hè nhưng không khí lạnh cứ “đều đặn” tràn về, tạo nên hình thái thời tiết cực đoan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sức khỏe người dân.
Trong đợt mưa lũ bất thường đầu tháng 4 vừa qua, riêng trên địa bàn tỉnh có gần 20ha lúa vụ đông xuân, đa phần trong thời kỳ đang làm đòng, trổ bông bị ngập úng; cùng với nhiều diện tích hoa màu, lạc, sắn, thủy sản… bị chết, hư hỏng, với tổng thiệt hại ước tính hơn 900 tỷ đồng. Chưa hết, sang đầu tháng 5, một trận mưa gió lớn khác ập đến làm diện tích lúa, hoa màu chưa kịp phục hồi bị đổ ngã, hư hại. Hiện nay, đang có một đợt không khí lạnh mới tràn vào miền Trung, sẽ gây mưa lớn và gió mạnh; trong lúc toàn tỉnh còn khoảng 10 nghìn ha lúa đông xuân chưa kịp thu hoạch. Vấn đề đặt ra hiện nay là tranh thủ thu hoạch những diện tích có thể, diện tích còn lại cần có phương án để bảo vệ…
Thời tiết cực đoan không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Trường hợp chị L.T.P. xã Phong Chương (Phong Điền) bị lũ cuốn trôi trong đợt mưa lũ bất thường đầu tháng 4; hay anh P.L.N. xã Quảng Phước (Quảng Điền) bị sét đánh tử vong khi thu hoạch lúa vào cuối tuần qua là một trong những sự việc đau lòng. Cách đây ít hôm, sét đánh cũng làm 3 người tử vong tại Thái Bình; sét cũng đánh trúng một trang trại nuôi heo tại địa phương này, khiến 229 con heo chuẩn bị xuất chuồng chết, gây thiệt hại nặng nề cho chủ trang trại.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, các hiện tượng thiên tai cực đoan bất thường ngày càng nhiều hơn, trái quy luật và gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xét chung toàn cầu và trong thời gian dài thì biểu hiện của biến đổi khí hậu chính là nhiệt độ trái đất có xu hướng tăng lên; nhưng biến đổi khí hậu cũng làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa lớn, nắng nóng, rét hại…) trở nên gay gắt hơn và bất thường hơn, không theo quy luật.
Được biết, Việt Nam là một trong 10 quốc gia được đánh giá bị tổn thương lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu với biểu hiện rõ rệt là nước biển dâng và xâm nhập mặn; trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tính chất cực đoan và tính dị thường của các hình thái thiên tai ngày càng phổ biến.
Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang có các hành động thiết thực, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Bên cạnh đó, nhiều phong trào bảo vệ môi được thực hiện rộng rãi trong đời sống xã hội như: ra quân làm sạch bãi biển, không dùng ống hút nhựa, giảm sử dụng túi ni lông… Những phong trào này cần được đẩy mạnh hơn nữa, để góp phần đạt được hiệu quả trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất là việc nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về những tác hại do biến đổi khí hậu mang lại.
Trước mắt, để hạn chế những thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, nên cần có những giải pháp chủ động thích ứng. Trong đó, hạ tầng sản xuất nông nghiệp phải được đảm bảo cho việc vận hành tưới và tiêu úng kịp thời; đồng thời đưa vào sản xuất loại giống phù hợp, ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng trên đồng ruộng, để hạn chế thiệt hại do mưa lũ bất thường có thể ập đến...
ĐẶNG THÀNH