Mới đây, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trả lời báo chí về mối quan tâm đặc biệt của người dân đối với phương án điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, lãnh đạo ngành y tế thành phố khẳng định: Sẽ đảm bảo đủ máy thở.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, cùng với công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch, vấn đề bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân là nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra.
Trước đó, chỉ đạo việc áp dụng Chỉ thị 16, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đối với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ba ưu tiên hàng đầu trong thực hiện Chỉ thị 16 là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân; đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải và kiềm chế dịch ở mức thấp nhất, trong đó, ưu tiên lớn nhất, quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân.
Tại TP. Hồ Chí Minh, nơi dịch đang bùng phát phức tạp với số ca nhiễm mỗi ngày lớn nhất cả nước, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và sự tăng cường thiết bị, nhân lực từ các địa phương, các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã sẵn sàng với năng lực đáp ứng cho khoảng 60.000 giường bệnh.
Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các địa phương giãn cách, ngày 19/7, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19, sẵn sàng phương án ứng phó trước sự gia tăng số lượng bệnh nhân, đặc biệt với tình huống nghiêm trọng hơn ở một số tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ Y tế chỉ thị, tất cả các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao.
Đối với Thừa Thiên Huế, tại kế hoạch tiếp nhận công dân trở về từ vùng dịch ở TP. Hồ Chí Minh ban hành ngày 16/7, UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế đảm bảo công tác xét nghiệm, khám sàng lọc, đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư, con người..., sẵn sàng phục vụ công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Theo đó, các cơ sở y tế, đặc biệt Bệnh viện Trung ương Huế đã sẵn sàng các phương án tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Từ đề xuất của UBND tỉnh, mới đây, tại kỳ họp thứ 2, khóa VIII, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua gói bổ sung kinh phí 22 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp y tế, bổ sung kinh phí cho Sở Y tế để thực hiện chi cho công tác phòng, chống dịch. Theo đó, nguồn kinh phí 22 tỷ đồng được thông qua sẽ ưu tiên chi cho các hoạt động tiêm chủng vắc-xin, mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị... phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong khống chế dịch, ổn định đời sống người dân vùng giãn cách, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng..., năng lực ứng phó của ngành y tế đã và đang được đầu tư, tăng cường nhằm đáp ứng trọng trách, nhiệm vụ ưu tiên đảm bảo tính mạng, sức khỏe Nhân dân trong cuộc chiến chống dịch.
Nhật Nguyên