ClockThứ Tư, 23/02/2022 05:54

Vị lãnh đạo tài ba, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế

TTH - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sớm giác ngộ, tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi, tháng 7 năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và làm Bí thư Chi bộ thôn Niêm Phò - tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền. Năm tháng sau khi vào Đảng, đồng chí đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, lúc mới 24 tuổi.

Dấu ấn Bí thư Nguyễn Chí Thanh trong những ngày đầu kháng PhápNhiều hoạt động hướng về quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Tham quan nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Quảng Điền. Ảnh: MC

Cuối năm 1938, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 2 năm tù và bị giam tại lao Thừa Phủ, sau đó lại tiếp tục bị tuyên án thêm 6 tháng tù và chuyển giam tại nhà tù Lao Bảo. Tháng 10 năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp chuyển lên nhà tù Buôn Ma Thuột. Năm 1941, đồng chí tổ chức vượt ngục thành công và trở về Thừa Thiên thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Đầu năm 1943, đồng chí lại bị địch bắt và giam cầm đến tháng 4 năm 1945 được thả ra tù. Tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Vịnh ra dự Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, ngày 13/8/1945 được gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình chuẩn bị khởi nghĩa tại Kinh đô Huế - nơi tập trung bộ máy chế độ quân chủ Việt Nam. Trong lần gặp này, Bác đã đặt tên cho đồng chí là Nguyễn Chí Thanh. Cũng tại Hội nghị, đồng chí được cử là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và phụ trách công tác Lào.

Cách mạng tháng Tám thành công và sau đó toàn quốc kháng chiến, với vai trò Bí thư Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã triển khai Điện khẩn của Thường vụ Trung ương, lãnh đạo Đảng, chính quyền, Nhân dân kiên quyết bám trụ, giữ vững thành quả cách mạng. Khi lực lượng có sự chênh lệch, Pháp có hơn 1.000 quân với vũ khí hiện đại và còn tiếp tục điều thêm quân ở Lào về, đồng chí đã tổ chức cho lực lượng ta rút khỏi Huế đêm 6/2/1947. Ngày 13/2/1947, Pháp chiếm hầu hết 6 huyện và tập trung càn quét các cơ sở cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bình tĩnh đêm ngày hóa trang bám địa bàn cơ sở đến các huyện trong tỉnh chỉ đạo, nắm tình hình và cùng xây dựng các phương án cụ thể đối phó với địch.

Ngày 25/3/1947, giữa lúc hoàn cảnh cách mạng địa phương cam go nhất, trên vai trò Bí thư Tỉnh ủy lúc 34 tuổi, đồng chí triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy tại Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, cách thành phố Huế - nơi sào huyệt quân Pháp đóng - chỉ hơn 15km. Tại Hội nghị đồng chí đã phân tích, đánh giá tình hình đồng thời khẳng định: “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần tranh thủ từng thôn, từng người dân, chúng ta không thể mất dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng”. Sau Hội nghị Nam Dương, phong trào cách mạng trong tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt, cơ sở Đảng được phục hồi, trận địa lòng dân được giữ vững, Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đây thế trận của ta dần chuyển sang tấn công.

Đầu năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình Trị Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Phân Khu ủy, bên cạnh việc đảm nhiệm các công việc của tỉnh Thừa Thiên, đồng chí còn tập trung xây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh nhằm tạo những chuyển biến mới trong cả vùng. Ngày 14/5/1948, tại Đại hội Đảng bộ Liên khu 4, tổ chức tại Thanh Chương (Nghệ An) đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu làm Bí thư Liên Khu ủy chỉ đạo các hoạt động từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên.

Tháng 1/1950, đồng chí được Trung ương phân công sang quân đội công tác và đảm nhiệm Trưởng Ban huấn luyện Trung ương. Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và được cử vào Bộ Chính trị. Với nhiệm vụ mới, đồng chí đã cùng tập thể Quân ủy lãnh đạo giành nhiều chiến thắng quan trọng trong các chiến dịch, tiến đến giành thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954.

 Ngày 31/8/1959, trong Sắc lệnh số 36/SL, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Cũng trong năm này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Trưởng Ban công tác Nông thôn (Sau này đổi tên là Ban Nông nghiệp Trung ương). Tháng 9 năm 1964, Bác Hồ chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị, phân công đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào chỉ đạo chiến trường miền Nam và giữ chức Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam.

Đầu năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội báo cáo tình hình miền Nam và công tác chuẩn bị chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 với Trung ương và Bác Hồ. Một ngày trước khi lên đường về lại miền Nam, đồng chí đã đột ngột lâm bệnh nặng và mất vào 9 giờ ngày 6/7/1967 ở tuổi 53.

Với quê hương đất nước, quá trình hoạt động đồng chí luôn đem hết nhiệt huyết có mặt ở những nơi nhiều ác liệt và gian khổ nhất, đồng chí là linh hồn cuộc kháng chiến của tỉnh Thừa Thiên Huế và cả vùng Bình Trị Thiên. Với kinh nghiệm bám đất, bám dân, đây là một kết quả được Trung ương đánh giá cao, các tỉnh trong cả nước đã hưởng ứng học tập và vận dụng. Với tài năng và sự kiên cường của đồng chí, chính báo chí Pháp đã gọi Nguyễn Chí Thanh là "cứu tinh của Bình Trị Thiên” (le sauveur de Binh Tri Thien).

Đánh giá về vai trò của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với cách mạng miền Nam, cơ quan tình báo Liên bang Mỹ (CIA) đã nhận định: “Từ năm 1965, ông Nguyễn Chí Thanh là nhân vật số 1 tại cơ quan đầu não về chính trị và quân sự của cộng sản tại Nam Việt Nam. Ông có quyền quyết định về cả việc hoạch định cũng như thi hành chiến lược và triển khai lực lượng… Ông  có tư duy chọn giải pháp quân sự và mạnh mẽ cho những khó khăn lớn”. (Nguồn: Cơ quan tình báo Liên bang Mỹ (CIA) tháng 1/2001 công bố tài liệu mật đề ngày 11/7/1967). Nhìn nhận về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bác Hồ luôn dành tình cảm sâu sắc và đã khen ngợi: “Chú Thao (tức đồng chí Nguyễn Chí Thanh) là con đại bàng bay xa nhìn rộng”, “Chú Thanh là một người thật thà, gan góc và kiên quyết”.

Ghi nhớ công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm làm hồ sơ và đầu tư tu bổ các di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của Đại tướng như: Nhà trưng bày và công trình tưởng niệm; Địa điểm di tích Hội nghị Nam Dương; Địa điểm Hội nghị tại bến đò Vĩnh Tu; Địa điểm Hội nghị tại Đầm Cầu Hai; Địa điểm cơ quan Tỉnh ủy lâm thời giai đoạn 1942 – 1945; Chiến khu Hòa Mỹ; Chiến khu Dương Hòa… Các cơ quan tiếp tục phối hợp cùng gia đình thành lập Bảo tàng về đồng chí tại 114 Đặng Thái Thân (TP. Huế), Xây dựng tuyến du lịch nối Bảo tàng, di tích về Đại tướng với quần thể di tích Cố đô Huế...

 TS. Phan Tiến Dũng

[*] Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế

Ngày 30/11, Hội đồng Lâm thời (HĐLT) họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Đại hội đại biểu họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để đánh giá, nhìn lại những đóng góp, cống hiến của dòng tộc.

Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế
Return to top