ClockThứ Bảy, 25/05/2019 14:58

Việt Nam đóng góp tích cực vào hoạt động của Liên hợp quốc

Việc ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở ra triển vọng đóng góp lớn hơn nữa của Việt Nam vào công việc của Liên hợp quốc.

Canada tranh cử ghế ủy viên không thường trực HĐBA 2021-2022

Cán bộ, bác sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan

Việt Nam sẽ tham gia bỏ phiếu ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 7/6, sau khi được nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc nhất trí đề cử.

Đây là dịp để nhìn nhận vai trò của Liên hợp quốc trong thế giới ngày nay và mở ra triển vọng đóng góp lớn hơn nữa của Việt Nam vào công việc của Liên hợp quốc.

Tổ chức toàn cầu có uy tín, quy mô rộng lớn nhất

Liên hợp quốc chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945. Trải qua hơn 70 năm phát triển, Liên hợp quốc trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh.

Vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập năm 1945, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm sáu cơ quan chính, chịu trách nhiệm về các lĩnh vực hoạt động khác nhau: Đại hội đồng; Hội đồng Bảo an; Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC); Hội đồng Quản thác (chính thức chấm dứt hoạt động theo quyết định của Hội nghị thượng đỉnh năm 2005); Tòa án quốc tế và Ban Thư ký.

Đồng thời, Liên hợp quốc có nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và năm Ủy ban kinh tế-xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội...

Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của một cơ sở toàn diện cho hòa bình, các quốc gia thành viên đề ra mục đích hàng đầu của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Đồng thời, các quốc gia thành viên xác định những mục đích quan trọng khác cho các hoạt động của Liên hợp quốc. Đó là thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo; xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Sau hơn 70 năm hoạt động, Liên hợp quốc đã chứng tỏ là một tổ chức toàn cầu, đa dạng, có uy tín và quy mô rộng lớn nhất. Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Tích cực tham gia các công việc của Liên hợp quốc

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Hoạt động nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc lớn do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại.

Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm Vũ khí Hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân toàn diện năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996. Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho Hội nghị lớn như Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003...

Ghi nhận những đóng góp nhiều mặt của Việt Nam vào công việc của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên đã nhiều lần bầu Việt Nam vào cơ chế lãnh đạo của nhiều cơ quan Liên hợp quốc như giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO), Phó Chủ tịch Hội đồng Chấp hành tổ chức Chương trình Phát triển Liên hợp quốc/Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Hội đồng điều hành các tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng quản trị Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)...

Toàn cảnh một cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Nguồn: AFP/TTXVN

Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế và Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021)...

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy Liên hợp quốc phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc cũng như vào các nỗ lực chung.

Trong năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này.

Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam đã cử 30 sỹ quan quân đội và một bệnh viện dã chiến cấp hai gồm 63 cán bộ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan).

Từ cuối năm 2018, Việt Nam được Liên hợp quốc lựa chọn làm địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.

Điển hình về hợp tác phát triển

Ngay sau khi gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế–xã hội của đất nước.

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Liên hợp quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc.

Sau khi Việt Nam từ một nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kỹ thuật sang tư vấn chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, bình đẳng giới...

Những năm qua, Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này.

Mô hình hợp tác ba bên - ban đầu giữa Việt Nam, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực, Senegal - về trồng lúa đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam-Nam.

Một cấu phần quan trọng của Sáng kiến Thống nhất Hành động - Một Liên hợp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành nhân dịp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon thăm Việt Nam tháng 5/2015.

Là một trong tám nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới, nhìn chung, sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Có thể nói, sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc cũng như về vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Sự hợp tác đã đạt được những kết quả tốt và có tác dụng tích cực, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.

Kế hoạch Chiến lược chung giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 (Chương trình hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc) được ký vào ngày 5/7/2017. Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư vào con người; đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, đồng thời phấn đấu đưa quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.

Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam

Sáng 2/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh diễn ra Giải tennis kỷ niệm 78 năm Ngày pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2024). Đến dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh và ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Huy Thịnh - đơn vị tài trợ chính giải đấu.

Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam
Hội đàm Công an Sa la van và Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế

Ngày 22/10, tại thị xã Sa La Van, tỉnh Sa La Van, nước CHDCND Lào, Đoàn đại biểu Ty Công an tỉnh Sa La Van - Lào và Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế - Việt Nam phối hợp tổ chức Hội đàm thường niên năm 2024. Thiếu tướng Sỉ Sợt Sỏn Đa La, Giám đốc Ty Công an tỉnh Sa La Van và Đại tá Hoàng Minh Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì hội đàm.

Hội đàm Công an Sa la van và Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế
Return to top