ClockThứ Sáu, 06/12/2013 06:20

Vỡ hụi

TTH - Trong những ngày qua, dư luận chưa hết xôn xao vụ vỡ hụi ở chợ Kim Long, lại bàng hoàng về vụ vỡ hụi ở chợ Tây Lộc. Theo thông tin chúng tôi có được, số tiền mà chủ hụi “chạy” lên đến hàng tỷ đồng. Đây không phải lần đầu Thừa Thiên Huế xảy ra cảnh vỡ hụi, mà từng xảy ra ở chợ Lộc An (Phú Lộc), chợ Vĩ Dạ và nhiều chợ khác trên địa bàn, với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Bằng cách nào mà chủ hụi huy động được nhiều tiền như vậy? Bà TTH. ở Tây Lộc góp hụi mỗi ngày 800 ngàn đồng; bình quân mỗi tháng góp 24 triệu đồng và được chủ hụi trả lãi 1 triệu đồng. Nếu bà không bốc thì tháng sau, tiền lãi sẽ gấp đôi; đồng nghĩa tiền gốc mà chủ hụi nắm của bà 48 triệu đồng và số tiền đó cứ tăng dần theo ngày tháng...

Mỗi chủ hụi có đến hàng chục, thậm chí cả hàng trăm hụi viên. Nhiều người thấy lãi cao không bốc, để hưởng lãi hàng tháng; nhằm dành một khoản tiền gốc sau này bốc một thể, để dùng vào việc đại sự như: mua xe máy, mua nhà, đám cưới cho con... Nhưng than ôi, bất ngờ vỡ hụi! Điều đáng nói, nhiều người thấy lãi nhiều đã không ngần ngại huy động tiền của người thân, cầm cố tài sản, sổ đỏ, vay ngân hàng để góp hụi, trở thành những chủ hụi con. Khi chủ hụi mẹ vỡ thì hệ lụy nhiều người, mang lại cảnh “tan cửa nát nhà”.

Thật ra, không phải thời kinh tế thị trường bây giờ mới có hụi, mà hụi đã xuất hiện trên đất nước ta từ lâu đời, được phản ánh trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, Thạch Lam... những năm 30 của thế kỷ trước, với danh xưng: bát họ, phường, biêu... Nếu không biến tướng, góp hụi có nhiều mặt tích cực. Đó là sự hợp tác của nhiều người, giúp hụi viên có một khoản tiền lớn để giải quyết việc trọng sự; rồi “ăn dần mần dọi” góp lại cho người khác. Hình thức này vẫn còn tồn tại ở một số chợ. Họ chỉ góp theo nhóm, tối đa là 10 người, có quy ước rõ ràng, hụi viên và người cầm hụi thân thiết nhau như người một nhà...

Những vụ vỡ hụi vừa qua là trò biến tướng, dân gian quen gọi là “hụi ma”. Người chơi hụi ma không hề biết mặt chủ hụi, chỉ qua trung gian. Hình thức này đã thu hút một lực lượng hụi viên rất lớn và cũng đã huy động một nguồn tiền rất lớn. Khi sự việc vỡ lở, hụi viên không biết đâu mà lần. Đến người trung gian thì người trung gian đổ thừa chủ hụi. Tôi đã từng băn khoăn, có thể khó khăn lắm, họ mới bỏ quê hương, gia đình để ra đi, chứ ai nỡ?. Song, nhiều người bảo, nó muốn chiếm đoạt. Bởi có nhiều người, sau vài năm trốn nợ trở về vẫn ung dung mua nhà mặt phố, bằng cách đứng tên con cái, người thân. Chỉ trả nợ cho những tay có “máu mặt” dạng đầu gấu. Còn những người hiền từ thì khó đòi lại được, bởi không có biên lai, chứng từ (!)

Nói như vậy thì trong một số trường hợp, chuyện vỡ hụi là một hình thức lừa đảo, không còn trong phạm vi quan hệ dân sự nữa mà là vấn đề hình sự, cơ quan chức năng phải quan tâm hơn nữa. Ngoài việc truy bắt, buộc trả lại tiền cho hụi viên; cần theo dõi sát sao những người đang cầm hụi hiện nay; khuyến cáo người dân thận trọng với những trường hợp không đủ khả năng về tài chính để cầm hụi. Việc vỡ hụi, chạy hụi, lừa đảo này không chỉ xảy ra ở Thừa Thiên Huế mà từng xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước trong thời gian qua ở TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Điện Biên, Thái Nguyên... Người dân cần thận trọng hơn với hình thức góp tiền này.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn trong nhân dân là rất lớn. Nên chăng, các ngân hàng cần có chính sách để huy động lượng tiền này; nhằm tăng thêm nguồn vốn cho ngân hàng hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, thị trường tiền tệ trong xã hội hiện nay!

Tiểu Ca
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:
Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024

Ngày 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024

TIN MỚI

Return to top