Đã có những doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ để cổ vũ cho đội bóng áo đỏ, đúng hơn là để tận hưởng niềm vui mà lâu lắm rồi bóng đá Việt Nam mới có được. Hãng hàng không VietJet còn hứa rằng, nếu U23 Việt Nam vô địch thì họ sẽ sơn hình ảnh ông huấn luyện viên Park Hang - seo cùng toàn thể cầu thủ lên thân máy bay của hãng. Khó có thể kể hết những cách ăn mừng và cảm ơn các cầu thủ U23 mà người hâm mộ đã và đang thực hiện trong những ngày qua, cũng như thật khó mà tả hết cảm xúc dâng trào của người dân Việt.
Không phải đợi đến kết quả trận chung kết thì những gì mà U23 Việt Nam vừa làm được cũng cho thấy họ đã vô địch trong lòng người dân Việt Nam rồi. Có lẽ đây là đội bóng Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đã thể hiện một hình ảnh khác hẳn tất cả các đội bóng trước đây. Không còn nhìn thấy sự hụt hơi ở những phút cuối trận do thể lực cạn kiệt, và kéo theo là tâm lý bất lực, chấp nhận thua cuộc, hoặc chờ đợi một sự may mắn, trước những đối thủ mạnh hơn. Vì lẽ đó, từ các chuyên gia bóng đá đến người hâm mộ đều thốt lên “không thể tin nổi!”. Bởi vì, cũng chính đội bóng này, 5 tháng trước (8/2017) đã bị loại khỏi vòng đấu bảng SEA Games (lúc đó là U22).
Mong rằng, sau cú “vượt ngưỡng” này, U23 Việt Nam sẽ lấy được tấm huy chương vàng bóng đá SEA Games mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa chạm đến được. “Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là vĩnh cửu” - lời đúc kết của “lão gia bóng đá” Alex Ferguson (cựu HLV CLB Manchester United) cho thấy vẫn còn nhiều gian nan ở phía trước kỳ tích này. Điều chúng ta mong nhất là bóng đá Việt Nam phải đi vào lộ trình bền vững, không phải thắng thua thất thường khiến người hâm mộ thót tim.
2. Cảm xúc dâng trào từ kỳ tích của đội bóng đá U23 đã giúp cho người Việt Nam xua tan nỗi ưu tư từ các vụ án tham nhũng gây nên, và tạm quên đi một hình ảnh buồn lòng cũng vừa xảy ra tại sứ quán Việt Nam ở Chi Lê. Hôm 18/1, báo chí ở Chi Lê đăng tin kèm hình ảnh những chiếc vây cá mập phơi trên mái nhà của Văn phòng Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam. Sự việc lộ ra khi người dân trong khu vực ngửi thấy mùi hôi tỏa ra từ “sân phơi” những món hàng cấm này. Hình ảnh được xem là “rất xấu hổ” đã gây bất bình không chỉ giới bảo vệ động vật hoang dã và cộng đồng khoa học quốc tế, không chỉ người dân Chi Lê mà tất nhiên là rất nhiều người Việt.
Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ giải trình sự việc. Bộ Ngoại giao thì cho biết, vây cá mập là của thân nhân một cán bộ thuộc văn phòng này mua để sử dụng trong gia đình. Nhưng dù của ai thì cũng là một hình ảnh không đáng có ở một cơ quan ngoại giao.
3. Trong khi tại Thượng Hải - Trung Quốc, đội bóng U23 Việt Nam đã cho giới hâm mộ châu Á nhìn thấy một hình ảnh kiên cường của người Việt, thì ở thủ đô Santiago - Chi Lê, lại xuất hiện một hình ảnh không đẹp mà dứt khoát đó không thể là đại diện cho người Việt Nam. Hai hình ảnh tương phản đó nhắc nhở mỗi người Việt cần phải làm gì khi bước ra với thế giới!
MINH ĐĂNG