ClockThứ Năm, 12/09/2019 13:30

Xây dựng chính quyền thân thiện & gần dân

TTH - Với số phiếu 37/37, đạt tỷ lệ 100%, ông Hoàng Hải Minh, Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng vừa được HĐND TP. Huế, bầu bổ sung giữ chức danh Chủ tịch UBND TP. Huế, nhiệm kỳ 2016-2021. Nhân dịp này, ông Hoàng Hải Minh đã có những chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về những dự định, ấp ủ của mình trên cương vị mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tửMọi việc để dân bàn bạc, thống nhấtNắm chắc tình hình trong Nhân dân

Ông Hoàng Hải Minh vừa được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP. Huế. Ảnh: P. THÀNH

* Ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều lĩnh vực để quản lý, giám sát hiệu quả

Trước tiên, xin chúc mừng ông được bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND TP. Huế, cũng là TP trung tâm, với cương vị mới, ông có cảm thấy áp lực?

Nếu nói không có áp lực thì không đúng, song, điều đó càng thôi thúc và giúp tôi có thêm động lực để đặt ra và thực hiện tốt nhất các mục tiêu của mình.

Và đó là những mục tiêu nào, thưa ông?

Tôi có rất nhiều rất nhiều mục tiêu, rất nhiều dự định đang ấp ủ. Tuy nhiên, trước mắt tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Huế tập trung thực hiện tốt nhất hai lĩnh vực đó là trật tự đô thị và cải cách hành chính.

Tại sao lại là hai lĩnh vực này mà không phải là lĩnh vực khác, thưa ông?

Đây là hai lĩnh vực trọng tâm của TP. Huế. Dù thời gian qua, TP. Huế đã có rất nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, song đây vẫn là những lĩnh vực có nhiều phản ánh từ phía người dân.

Rõ ràng, kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hàng tháng đều có thống kê cụ thể với lượng hồ sơ được giải quyết luôn đạt cao, song vẫn còn tình trạng người dân phản ánh về việc hồ sơ chậm kéo dài tháng này qua tháng khác, nhất là các hồ sơ về cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, chúng ta chỉ mới xem xét ở khía cạnh quy trình, mà chưa thật sự quan tâm đến hiệu quả của việc giải quyết hồ sơ, chưa có đánh giá về “thời gian không chính thức”. Do đó, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần làm tốt hơn nữa việc giải quyết hồ sơ cho người dân và đem lại hiệu quả cao nhất và nhanh nhất có thể.

Ông đã nghĩ đến những phương án nào để giải quyết những tồn tại đó?

Chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình này. Trước đây, chúng tôi cũng có lắp camera giám sát, song sắp tới sẽ xây dựng hệ thống, phần mềm quản lý, giám sát ở các lĩnh vực này. Chỉ khi xây dựng hệ thống quản lý, giám sát bằng công nghệ thông tin mới xử lý triệt để những khó khăn vướng mắc. Hơn nữa, chúng tôi cũng có cơ sở, chứng cứ để xử lý các vấn đề phát sinh. Đây là hướng đi mà TP. Huế dự kiến sẽ áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác.

Các công viên hai bờ sông sẽ được chỉnh trang để ngày càng đẹp hơn. Ảnh: LINH ĐAN

* Huế phải là thành phố đi đầu trong thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh

Còn với chương trình xanh-sạch-sáng thì thế nào, thưa ông?

Không chỉ với chương trình xanh-sạch-sáng, mà chúng tôi luôn quyết tâm và phải là đơn vị đi đầu, thực hiện tốt tất cả các chương trình, kế hoạch của tỉnh. Không chỉ xanh-sạch-sáng mà phải xanh hơn, sạch hơn và sáng hơn. Và để làm được những điều đó, chúng tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo có những kế hoạch cụ thể và mong muốn có được sự đồng hành, ủng hộ từ phía người dân.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Trên nền tảng ứng dụng đô thị thông minh của tỉnh, TP. Huế cũng xây dựng một phần mềm tương tự để tiếp nhận những phản ánh của người dân, song chúng tôi sẽ quy về đầu mối cho các phường để tiếp nhận xử lý ban đầu, sau đó sẽ có các bước xử lý cụ thể hơn. Như thế, thông tin được tiếp nhận sẽ hiệu quả hơn và cách xử lý sẽ nhanh hơn, chính xác hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện tất cả những việc đó sẽ cần có thời gian và kế hoạch cụ thể. Và một trong những kế hoạch đó là chúng tôi sẽ triển khai theo từng chuyên đề. Tháng này vấn đề gì, tháng sau vấn đề gì hoặc cũng có thể triển khai theo tuần để từ đó có thể giải quyết rốt ráo các vấn đề trên địa bàn.

Các chương trình, dự án chỉnh trang sẽ được tiếp tục triển khai, thưa ông?

Đúng vậy! Trước tiên chúng tôi sẽ tập trung chỉnh trang lại một số hạng mục để cho Huế ngày càng đẹp hơn, xanh hơn, sáng hơn. Ví như mật độ cây xanh của TP. Huế dù so với các thành phố khác đã cao, song không phải vì thế mà chúng ta không chú trọng trồng cây nhưng phải là trồng theo quy hoạch và phù hợp với đặc thù địa phương. Cây xanh đẹp rồi nhưng phải có hoa nữa và hoa phải thơm, phải rực rỡ để tô điểm cho TP.  Chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến việc cắt tỉa cây xanh sao cho đẹp chứ không chỉ là cắt cụt, cắt để khỏi ngã đổ…

Các công viên dọc hai bờ sông Hương có vẻ như chưa phát huy tác dụng? TP. Huế sẽ có những chỉnh trang gì để bờ sông Hương thực sự là điểm đến không thể bỏ qua?

Việc chỉnh trang hai bờ sông Hương hiện đang được thực hiện theo quy hoạch do tổ chức KOICA thực hiện. Trước tiên đã hoàn thành cầu đi bộ gỗ lim, sắp tới sẽ còn có một số chỉnh trang khác để phù hợp hơn, như sắp xếp lại một số bức tượng, trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, hoa… Và còn rất nhiều chương trình nữa, song như đã nêu, chúng tôi sẽ làm từng bước và dự án nào hoàn chỉnh dự án đó để đô thị Huế ngày càng đẹp hơn.

Ở vai trò là một kiến trúc sư, ông sẽ có những ý tưởng quy hoạch nào cho đô thị Huế?

Đô thị Huế sẽ xuyên suốt mục tiêu là đô thị di sản, cảnh quan và thân thiện với môi trường. Thế nên, dù là quy hoạch thế nào, ý tưởng gì cũng không ngoài mục tiêu này. Chúng tôi sẽ có một số ý tưởng để điều chỉnh, chỉnh trang một số hạng mục và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm để hạ tầng để đô thị Huế ngày càng đồng bộ hơn. Tôi lấy ví dụ, trước đây có một số trường hợp xây dựng trái phép, không phép… dù bị xử phạt song vẫn tiếp tục xây dựng khiến đô thị lổ đổ. Sắp tới chúng tôi sẽ siết chặt việc này để tránh những công trình không phép, trái phép mọc lên, phá vỡ quy hoạch và gây hệ lụy về sau.

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tham mưu và tổ chức quy hoạch một số địa điểm đổ rác thải xây dựng. Đây cũng là cách để xây dựng Huế xanh.

* Sẽ gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí hàng tuần

Ông có nói đến việc xây dựng chính quyền thân thiện? Việc đó cụ thể như thế nào thưa ông?

Tôi đặc biệt quan tâm đến các ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và thực hiện công việc. Do đó, khi xây dựng các ứng dụng, tôi chú trọng việc kết nối trao đổi thông tin. Làm thế nào đó để người dân biết được các phản ánh của họ sẽ được Chủ tịch UBND TP. Huế xử lý, trả lời thì lượng tương tác giữa người dân và chính quyền sẽ lớn hơn. Phải làm sao để người dân cảm thấy không còn khoảng cách giữa họ với cơ quan công quyền, công chức, lãnh đạo. Từ đó, các vấn đề được giải quyết tốt hơn. Và chúng tôi đang hướng đến điều đó.

Còn việc cung cấp thông tin cho báo chí?

Tôi sẽ có buổi gặp gỡ các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn để chia sẻ những thông tin, kế hoạch sắp tới cũng như để lắng nghe những phản ánh của cơ quan báo chí về các vấn đề trên địa bàn. Và việc này sẽ tổ chức thường xuyên hơn, có thể là một buổi trong tuần hoặc nhiều hơn thế. Mục tiêu của tôi là lắng nghe nhiều hơn những tâm tư nguyện vọng của người dân thông qua phản ánh của các cơ quan báo chí và cũng nhờ các kênh thông tin báo chí đưa các chủ trương, đường lối, kế hoạch… của TP. Huế đến với người dân một cách chính thống.

Xin cảm ơn ông!

TÂM HUỆ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

TIN MỚI

Return to top