Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì phiên họp.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận phiên họp |
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 32,5%
Thông tin tình hình KT - XH, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 6,95% chiếm 51,2% trong cơ cấu kinh tế; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 568 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 73 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 27.355 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 30,1% trong cơ cấu GRDP; lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng 2,99%, chiếm tỷ trọng 11,5% trong cơ cấu GRDP.
Ông Vui thông tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 21 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.776,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần về lượng và tăng 55,8% về vốn so với cùng kỳ; 344 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.723 tỷ đồng... Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 6.001,6 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán, bằng 44,1% so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 21,2% so với cùng kỳ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 25/6/2024 là 2.035,054 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 32,5% kế hoạch cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc là 22,3% theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. "Mặc dù giải ngân cao hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng đạt tỉ lệ thấp và chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới", ông Vui nhấn mạnh,
Liên quan đến các đề án quan trọng phục vụ mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Vui cho hay, các đề án đều đã được trình các cơ quan trung ương thẩm định. Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan Trung ương. Mặc dù, KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, song, phiên họp cũng chỉ những khó khăn hiện nay.
Theo đó, tình hình chung của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm. Một số dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm chậm tiến độ đã tác động đến năng lực tăng thêm của ngành công nghiệp. Các hình thức tổ chức liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn ít và hiệu quả chưa cao. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục là “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận nhà đầu tư, khởi công dự án nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ…
|
Việc đôn đốc tiến độ các dự án đóng vai trò quan trọng trong công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới |
Tháo gỡ khó khăn, bổ sung các giải pháp phù hợp
Tại phiên họp, lãnh đạo, các sở, ngành, địa phương cũng đã thông tin cụ thể về bức tranh KT – XH của tỉnh; đồng thời, nêu những khó khăn, hạn chế và kiến nghị các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công; thu thuế từ nguồn sử dụng đất; an toàn thông tin mạng; tiến độ lập các quy hoạch phân khu; các hoạt động xuất nhập khẩu; kế hoạch sử dụng ất...
Đối với những khó khăn hiện nay trong phát triển KT – XH, phiên họp cũng chỉ rõ nguyên nhân, đó là công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và tính chủ động tham mưu, đề xuất của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các địa phương có mặt còn hạn chế; công tác phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trên các ngành, lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức chưa thực sự nêu cao và phát huy hết tinh thần trách nhiệm. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa đầy đủ; thiếu bám sát thực tiễn; còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công việc.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong thời gian qua, đặc biệt dù chưa được như kỳ vọng nhưng tốc độ tăng trưởng cũng "chấp nhận được". Ông Phương cũng nhấn mạnh đến việc rà soát những nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án đến nay chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm để đôn đốc thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động các phương án, kịch bản tăng trưởng, bổ sung kịp thời các giải pháp phù hợp; trong đó, xác định những động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng kịch bản tăng trưởng quý III và 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thiện các Đề án quan trọng, đặc biệt đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp cuối năm.
Liên quan đến phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Phương đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các dự án sản xuất công nghiệp sớm đi vào hoạt động; hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ. “Thời gian tới cần phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Các sở, ban, ngành, chủ đầu tư cũng phải thực hiện nghiêm túc cam kết tiến độ giải ngân cho từng dự án thuộc kế hoạch đầu tư công. Rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn. Tập trung quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, công tác thu ngân sách, chống thất thu ngân sách, cần phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trên 13.600 tỷ đồng”, ông Phương nói.