ClockThứ Năm, 08/11/2018 14:48

Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc

TTH.VN - Sáng 8/11, tham gia thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật Kiến trúc, đại biểu Nguyễn Chí Tài- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dự thảo luật được trình Quốc hội ban hành là cần thiết, góp phần xây dựng nền kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cần thận trọng rà soát, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cho phù hợp.

Cử tri quan tâm đến các dự thảo luật sắp ban hànhNên chuyển tòa nhà 26 Lê Lợi (Huế) thành Bảo tàng văn học HuếNghiêng về giải pháp phục hồi kiến trúc có từ nhà Nguyễn

Đại biểu Nguyễn Chí Tài phát biểu thảo luận tại tổ

Quy định rõ hơn về những hành vi bị cấm

Đại biểu Nguyễn Chí Tài đồng tình với việc ban hành Luật Kiến trúc, bởi vấn đề này đã được cơ quan quản lý Nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Về những hành vi bị cấm (Điều 5), ông Nguyễn Chí Tài cho rằng, theo dự thảo quy định có 5 hành vi bị cấm đó là cản trở, gây khó khăn cho công tác quản lý kiến trúc; lợi dụng kiến trúc làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; các hành vi sai trái trong cung cấp dịch vụ kiến trúc; cung cấp tài liệu, số liệu giả, sai sự thật, vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, đây là những hành vi quy định rất chung, chưa nêu rõ được chủ thể là ai, là người hành nghề kiến trúc sư, cán bộ công chức hay là nhà đầu tư.

Cũng liên quan đến hành vi bị cấm, theo đại biểu Nguyễn Chí Tài, một hành vi có ảnh hưởng rất lớn đến hành nghề kiến trúc là hành vi vi phạm bản quyền vẫn chưa được quy định rõ trong luật; trong khi đó tại điểm i và điểm k khoản 1 Điều 14 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là “Tác phẩm kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học”; nhưng trong dự thảo chỉ ghi chung cùng một mục nhỏ tại khoản 5 là vi phạm bản quyền là chưa đầy đủ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định lại cụ thể hoặc dẫn chiếu đến Luật Sở hữu trí tuệ để thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Quy định rõ hơn về quản lý kiến trúc

Tổ 18 gồm các đoàn Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Lào Cai thảo luận sáng 8/11. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Nguyễn Chí Tài cho rằng, tại Điều 8- Yêu cầu đối với kiến trúc tại khu phố cổ: Đề nghị nên quy định lại nội dung này bởi những danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nhưng không nằm tại các khu phố cổ mà có thể nằm rải rác ở vùng nông thôn, miền núi ... Vì vậy, ông Tài đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định bổ sung “Yêu cầu đối với kiến trúc thuộc di tích, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh” thành một điều riêng để đảm bảo công tác quản lý kiến trúc.

Về cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Điều 24), theo đại biểu, tại điểm c khoản 1 Điều 24 dự thảo luật có quy định Chứng chỉ hành nghề kiến trúc được cấp lại cho cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây “Sau 3 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc có hiệu lực đối với một trong các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, điểm e khoản 1 Điều 23 Luật này”; tuy nhiên tại khoản 1 Điều 23 không có điểm e, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Để hoạt động kiến trúc phát triển hiệu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Tài đề nghị cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động này, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch nhưng không gây khó dễ cũng như không được làm mất đi tính sáng tạo trong kiến trúc. Đồng thời cần bổ sung quy định về phân hạng hành nghề kiến trúc để các kiến trúc sư có ý thức, có mục tiêu phấn đấu trong việc nâng hạng trong hoạt động kiến trúc của mình.

Tránh chồng chéo

Về hiệu lực thi hành (Điều 36), đại biểu Nguyễn Chí Tài nêu quan điểm, theo báo cáo, việc xây dựng và thi hành pháp luật về kiến trúc thì hiện nay lĩnh vực kiến trúc chưa có một đạo luật riêng mà nằm rải rác trong các quy định hiện hành. Cụ thể, được quy định trong 6 luật (Luật Quy hoạch đô thị 2009; Luật Xây dựng năm 2014; Luật Nhà ở năm 2014; Luật Di sản văn hóa năm 2014; Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Đầu tư năm 2014) và Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 36 chỉ bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 3 luật là Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và Luật đầu tư; còn các dự án luật khác thì vẫn chưa thấy đề cập.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp tục rà soát bổ sung các luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện, tránh chồng chéo. Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc cũng chỉ quy định bãi bỏ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị còn các Nghị định khác chưa được xem xét điều chỉnh. Để tránh chủ quan trong quá trình xây dựng luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này.

Thái Sơn- Hữu Dũng (lược ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top