Tiếp tục sụt lún
Hố sụt lún mới xuất hiện tại vườn cây ông Trần Văn Chương (thôn Xuân Điền Lộc) ngày 31/10
Theo người dân phản ánh, ngày 31/10, trên địa bàn thôn Xuân Điền Lộc (Phong Xuân) đã xuất hiện thêm 4 hố sụt lún nằm trong vườn cây thuộc diện tích trồng keo tràm của người dân. Đây là khu vực thuộc diện tích đền bù giai đoạn 2, cách đê bao của mỏ đá vôi của Công ty CP xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) từ 20-300m.
Cụ thể, tại hố sụt lún thuộc vườn cây keo tràm của gia đình ông Trần Văn Chương, PV ghi nhận hố sâu chừng 3,5m, rộng 1,5m, cách đê bao 300m. Đặc biệt, tại khu vực này có 10 ngôi mộ của các gia đình trong thôn Xuân Điền Lộc. Việc sụt lún bất thường gần đê bao mỏ đá khiến người dân lo lắng do ảnh hưởng đến sản xuất cũng như mồ mả tại khu vực này.
Người dân kiểm tra độ sâu của hố sụt lún tại vườn ông Trần Văn Chương
Ông Trần Văn Chương, cho biết: “Sau khi mưa lớn, sáng 31/10, lên vườn cây thì thấy một hố lớn sụt lún nên đã dùng cây rào lại xung quanh để tránh người, gia súc rơi xuống. Chúng tôi thuộc những hộ đã di dời đến nơi ở mới nhưng diện tích cây lâm nghiệp thì thuộc giai đoạn 2 đền bù của dự án nên vẫn sản xuất bình thường. Có hố sâu sụt lún bất thường nên bà con rất lo lắng”.
Tương tự, tại vườn cây keo tràm của ông Lê Văn Mừng ở thôn Xuân Điền Lộc cũng ghi nhận sự xuất hiện 3 hố lớn cách đê bao khoảng 20m. Các hố có kích thước trung bình với chiều rộng khoảng gần 1m, sâu 1,5- 2m, đều bị ngập nước. Sáng 1/11, các hộ dân đã thử dùng các cành cây để chọc xuống hố cho thấy rất sâu và khả năng sụt trượt có nguy cơ vẫn tiếp diễn.
Cận cảnh một hố sụt lún tại thôn Xuân Điền Lộc, nước thường được "hút" về khu vực này
“Các hộ dân đã di dời theo chủ trương của địa phương nhưng đất sản xuất vẫn còn nằm cách đê bao mỏ đá không xa và tiếp tục xảy ra tình trạng sụt lún nên rất lo lắng. Nếu không sản xuất được, yêu cầu nhà máy hỗ trợ người dân để đảm bảo sinh kế lâu dài”, ông Lê Văn Mừng kiến nghị.
Trước đó, giữa năm 2019, UBND xã Phong Xuân cũng đã ghi nhận có 3 hố sụt lún với các kích thước khác nhau nằm trên cánh đồng Mõm Lang và trong vườn nhà dân tại các thôn Xuân Điền Lộc, Xuân Lộc. Nước trên ruộng thường tập trung vào các hố sụt lún này. Được biết, cánh đồng Mỏm Lang ở Phong Xuân trước đây là nơi canh tác lúa trù phú của người dân trong xã. Từ năm 2014, khi mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm được cấp phép khai thác, bỗng nhiên ở các khoảnh ruộng thường xuất hiện những hố sụt lún sâu hoắm, hút hết nước.
Lập đề án di dời
Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, đã nhận được thông tin người dân phản ánh và trong ngày 1/11 và sẽ phối hợp với Công ty Đồng Lâm để tiến hành kiểm tra. “Trước mắt địa phương sẽ cho đặt các rào cảnh báo hoặc sẽ lấp các hố lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Toàn nói thêm.
Theo UBND xã Phong Xuân, hiện có hơn 25 ha ruộng, đất hoa màu của người dân ở các thôn nằm trong khu vực xảy ra sụt lún, gần khu vực mỏ đá. Mặc dù đã có hỗ trợ bước đầu nhưng các hộ dân lo ngại an toàn nên có khoảng 3,3 ha từ lâu nay bỏ hoang, không canh tác. Trong 3,3ha thì 1 ha Công ty Đồng Lâm hỗ trợ cho người dân theo năng suất bình quân hàng năm, người dân đã nhận tiền.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, thực tế kiến nghị của các hộ dân nằm trong khu vực sụt lún gần mỏ đá của Công ty Đồng Lâm là chính đáng và các giải pháp kỹ thuật cũng như hỗ trợ sản xuất cho người dân chỉ là trước mắt, giải pháp tình thế. Về lâu dài cần xây dựng khu tái định cư cho người dân.
Hố sụt lún khá sâu tại vườn cây của ông Lê Văn Mừng, khiến các hộ dân lo lắng
“Vừa qua, các ban ngành huyện đã họp, thống nhất có tờ trình, lập đề án di dời các hộ dân (nằm cách đê bao mỏ đá 300m) gửi UBND tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng ủng hộ chủ trương này. Theo đó, sẽ tranh thủ hạ tầng của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn để xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân di dời đến nơi ở mới. Phương án đưa ra là với sự hỗ trợ kinh phí một phần của chính quyền địa phương và Công ty Đồng Lâm. Còn tỷ lệ hỗ trợ cụ thể như thế nào thì các ban, ngành sẽ tiếp tục họp bàn và thống nhất”, ông Hùng cho biết thêm.
Trước đó, tại buổi tiếp dân định kỳ tại xã Phong Xuân, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh và huyện Phong Điền phối hợp với Công ty Đồng Lâm đánh giá lại tác động của việc nổ mìn ở mỏ đá và lập đề án lập đề án di dời dân cách đê bao mỏ đá 300m trong tháng 11/2019.
Theo UBND xã Phong Xuân, hiện tượng sụt lún trên địa bàn xuất hiện từ tháng 8/2014 và ghi nhận chỉ trong vòng một năm có đến 35 hố, mỗi hố có đường kính miệng từ 2-8,4m, chiều sâu đến mặt đá từ 3,5-5m. Năm 2019, tiếp tục ghi nhận thêm 6 hố sụt lún cận đê bao của mỏ đá (cách 20m-300m), từ khoảng chân đê trở ra. Nguyên nhân, theo Công ty Đồng Lâm, khu vực giữa đê bao của mỏ đá có các đới đất đá dập vỡ, các khe nứt, hang cac tơ chạy kéo dài từ phía trong mỏ ra ngoài đồng ruộng. Trong khi đó mỏ đá vôi khai thác âm, chiều cao đáy thấp hơn mặt bằng đồng ruộng khoảng 25-30m. Do vậy gây nên tình trạng nước ngoài ruộng ngấm chảy qua khe nứt, mang theo bùn đất vào bên trong mỏ, lâu dần tạo thành các hố sụt lún lớn. |
Tại vườn cây ông Lê Văn Mừng cũng ghi nhận 3 hố sụt lún mới ngập đầy nước
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyên - Tiến Dũng