Thứ Sáu, 10/04/2015 05:56
(GMT+7)
Ý thức và sự an toàn
TTH - Sau 4 ngày thực hiện nhắc nhở việc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với học sinh từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, bắt đầu từ hôm nay (10/4), các lực lượng chức năng sẽ tổ chức ngày cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em, tập trung vào khu vực xung quanh trường học, các tuyến đường gần trường học, nhà giữ trẻ.
Quy định về bắt buộc đội MBH đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy đã được thực hiện từ năm 2007, nhưng với trẻ em từ 6 tuổi trở lên giờ mới được áp dụng. Còn nhớ khi mới có chủ trương về bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông, dư luận xã hội cũng phức tạp, đồng tình nhiều mà phản ứng cũng không ít. Cái lợi của đội MBH khi tham gia giao thông ai cũng công nhận, nhưng họ viện đủ lý do để không ủng hộ chủ trương này, từ việc khó khăn về kinh phí mua MBH đến những bất tiện đời thường như khi mặc áo dài, đầu tóc mới làm... Nhưng khi Chính phủ “quyết”, ban đầu việc thực hiện cũng có những chệch choạc, khó chịu nhất định, nhưng nay MBH trở thành vật “bất ly thân” của những người đi mô tô, xe máy, không có là thấy mất tự tin. Thậm chí, xã hội nhìn những người không đội MBH khi đi xe máy bằng ánh mắt không mấy thiện cảm...
Bài học từ việc quy định bắt buộc đội MBH đối với người lớn cho thấy, chủ trương đúng, đem lại lợi ích thiết thực chắc chắn sẽ được ủng hộ. Cái gì mới làm bao giờ cũng có những khó khăn, trở ngại nhất định. Có thể ban đầu là miễn cưỡng, nhưng lâu dần sẽ trở thành thói quen, được mọi người tự giác thực hiện. Khi đó, những bất tiện sẽ không còn là cản trở. Với trẻ em cũng vậy. Các cháu là những đối tượng chưa chủ động ý thức được việc bảo vệ an toàn tính mạng cho chính mình khi tham gia giao thông. Muốn tạo thói quen đội MBH cho các trẻ trước hết là tạo điều kiện cho trẻ làm quen với việc đội MBH. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các bậc phụ huynh.
Bên cạnh đó, nhà trường là môi trường giáo dục tốt nhất đối với trẻ em. Khi thấy các bạn xung quanh đều đội MBH, chắc chắn các cháu sẽ làm theo, yêu cầu cha mẹ đội MBH cho mình. Vì vậy, nhà trường cần chủ động phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng cần tránh làm tổn thương tinh thần các cháu.
Quy định đội MBH là bắt buộc và không có ngoại lệ, bất cứ ai. Ðây là một biện pháp can thiệp kiên quyết của Nhà nước, đồng thời đòi hỏi từng người tham gia giao thông phải đấu tranh với bản thân để thay đổi thói quen. Với trẻ em, đội MBH không những đem lại an toàn, mà còn tạo ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Hoàng Giang