ClockThứ Ba, 11/06/2024 05:29
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” (11/6/1948-11/6/2024):

Thi đua là yêu nước

TTH - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cọi trọng và đề cao vai trò của thi đua ái quốc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người từng khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ngay sau ngày đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm…

Tôn vinh những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua yêu nướcGắn công tác chuyên môn với các phong trào thi đua

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc 11/11/1965 (Người đứng cạnh Bác bên phải là Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai - người dân tộc Pacô, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Tư liệu

Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau chiến thắng Việt Bắc thu- đông năm 1947, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến, kiến quốc, để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc.

Ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”.

Nhằm triển khai một cách sâu rộng Chỉ thị của Trung ương Đảng về phong trào thi đua ái quốc, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Cứu quốc, chi nhánh số 6, số 968, ngày 24/6/1948.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc; là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là thể hiện sự rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

76 năm qua, phong trào thi đua yêu nước liên tục phát triển, gắn với mỗi thời kỳ cách mạng đều có những phong trào thi đua thiết thực mang lại hiệu quả to lớn, góp phần tô thắm truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế hôm nay đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh ngày càng được chú trọng đổi mới và phát huy.

Những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trên mọi lĩnh vực. Công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Nhiều phong trào thi đua tiếp tục được phát huy, với quy mô, hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, được triển khai đồng bộ và sâu rộng ở các ngành, các cấp, các tổ chức, đơn vị… nhằm quyết tâm xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.                                                                                      

Lê Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi lưu dấu chân Người

Thuở niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình đã từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian gần 10 năm. Đó là thời kỳ từ năm 1895 - 1901, khi Người mang tên Nguyễn Sinh Cung (5 - 11 tuổi) và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi).

Nơi lưu dấu chân Người
Return to top