ClockThứ Bảy, 22/07/2023 14:00

Thích xây dựng, không thích hoạt động

TTH - Ở đâu không biết chứ ở Lào Cai thì điều này đã rõ. 500 nhà văn hóa xuống cấp không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Vấn đề được nêu tại kỳ họp HĐND tỉnh. Người đứng đầu ngành văn hóa của tỉnh này cho biết nguyên nhân là do khó khăn về kinh phí khi ngân sách tỉnh không hỗ trợ và hạn hẹp về quỹ đất.

Gỡ khó cho du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh

leftcenterrightdel
 Du khách đến trải nghiệm các hoạt động tại du lịch cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông). Ảnh minh họa: ĐỨC QUANG

Trước đây thì sao không biết chứ từ khi xây dựng nông thôn mới, trong thiết chế văn hóa cơ sở (đồng thời là tiêu chí) phải có nhà văn hóa. Trước đó thì thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Nhà văn hóa (dù nhỏ hẹp), nhà sinh hoạt cộng đồng ai xây? Nhà nước bỏ vốn ra xây. Cộng đồng cũng bỏ vốn ra xây nhưng ít. Ví dụ như ở A Lưới có một số nhà Moon của cộng đồng người Pa Cô; nhà Gươl của dân tộc Cơ tu ở Nam Đông, nhiều nhà dân làng đóng góp xây. Bản chất đây là ngôi nhà chung của làng - nơi diễn ra những hoạt động quan trọng của làng. Bản chất của nhà sinh hoạt cộng đồng, hay nhà văn hóa (cũng là nhà chung) chắc cũng na ná như vậy, chỉ có khác là tính chất văn hóa. Một bên là gắn chặt với văn hóa truyền thống và một bên có thể không hoặc ít hơn, chỉ là nơi diễn ra các cuộc hội họp là chủ yếu. Sau này Nhà nước cũng có cấp kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con, nhưng thấy hai cách làm thì khác nhau. Ví dụ như ở A Lưới và Nam Đông, nhà sinh hoạt cộng đồng được làm bằng vốn từ nguồn ngân sách thường là làm bằng bê tông và mái tôn. Còn nhà chung của một số làng họ tự góp tiền và công sức để làm thường là gỗ và mái lợp bằng lá (tranh, cọ). Phải chăng cộng đồng bà con họ làm cho chính họ nên họ cố giữ cho được cái gì là truyền thống nhất, từ hình dáng kiến trúc đến vật liệu, cách bài trí, còn Nhà nước bỏ tiền ra, cũng làm cho cộng đồng, cho dân đó thôi nhưng vẫn thấy có vẻ như đã “đánh mất một phần bản sắc”? Gì chớ nhà chung mà làng đã bỏ tiền ra làm thì không bao giờ được phép xuống cấp. Xuống cấp, hư hỏng là dân làng bằng mọi cách góp công góp sức sửa ngay.

Cũng là công trình đấy, cũng là mục đích đấy nhưng chúng ta thấy từ hai nguồn vốn khác nhau đã dẫn đến hai cách ứng xử khác nhau. 500 nhà văn hóa (họ gọi là nhỏ hẹp) được xây dựng nhưng lại để xuống cấp không sử dụng được. Những nhà văn hóa này ai xây dựng, chắc là từ nguồn vốn Nhà nước. Giờ Nhà nước không cấp kinh phí để tu bổ nên “không đáp ứng nhu cầu sử dụng”. Chúng ta nghe câu chuyện này thấy có một điều gì đó không ổn giữa việc xây dựng và duy trì, đó là chưa vội bàn đến việc sử dụng nó như thế nào, hiệu quả ra sao. Phải chăng là Nhà nước (gọi là Nhà nước là gọi chung về mặt chủ trương, ngân sách và một số điều kiện khác) chứ để thực hiện những công trình này thì có đại diện Nhà nước (có thể là một ban ngành chức năng nào của trung ương, của tỉnh, của huyện) cứ xây xong rồi không kèm theo một điều kiện gì cả hóa ra là chúng ta “thích xây dựng hơn là tổ chức hoạt động”!?

Giờ nhìn lại nhà văn hóa, không nói đâu xa, chỉ nhìn một số nhà văn hóa phường ở TP. Huế, tôi thấy có nhiều hoạt động không phải là hoạt động văn hóa của cộng đồng. Không ít nhà văn hóa đang cho thuê bán cà phê và đủ loại hình dịch vụ. Có nhà văn hóa thì trở thành nhà hàng tiệc cưới. Rõ ràng là sai mục đích. Nhưng xét về mặt kinh tế thì nó cũng có phần có lý với lý do cần một nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng. Tuy nhiên, về quản lý Nhà nước phải khẳng định là một việc khác, rõ ràng, rành mạch, cái gì ra cái đó, theo nguyên tắc không thể “lẫn lộn, nhập nhèm”.

Ở Lào Cai, giờ thì nhà văn hóa đã xây rồi, xuống cấp thì cũng xuống cấp rồi, không đủ điều kiện sử dụng thì cũng có rồi, giờ phải làm sao? Tìm câu trả lời là rất khó.

Tôi chỉ xin góp một gợi ý. Từ nay muốn xây dựng nhà văn hóa hay nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà chung thì nên hỏi cộng đồng có cần làm không. Dân nói cần làm thì làm. Rồi sau này xuống cấp (như tình trạng Lào Cai) ai sửa? Nếu Nhà nước “bao cấp” khoản này thì quá ổn, nhưng có vẻ hơi khó bao cấp nổi (như trường hợp đã dẫn) thế thì nói thẳng với dân: “làm xong rồi các vị lo tổ chức hoạt động, hư hỏng gì các vị lo sửa chữa, các vị có nhất trí điều này không?”. Nếu cộng đồng nhất trí thì làm còn không nhất trí thì không làm. Thế thôi! Không thể thả gà ra đuổi bởi nó mang dáng dấp của cách làm lấy được, làm mà chỉ nghĩ đến hiện tại chứ không nghĩ gì về sau.

NGUYÊN LÊ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín dụng chính sách giúp Lộc Bình đạt chuẩn nông thôn mới

Cùng với các nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã và đang là nguồn lực quan trọng, góp phần giúp xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng xã NTM.

Tín dụng chính sách giúp Lộc Bình đạt chuẩn nông thôn mới
Hương Trà tập trung các nguồn lực phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới

Năm 2024, Hương Trà đã tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm như: Quảng trường và Nhà văn hóa trung tâm thị xã, chỉnh trang tuyến QL1A (Hương Văn - Hương Chữ), đường ven sông Bồ, chợ đầu mối Bình Điền, các tuyến đường nối với QL1A, xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia…

Hương Trà tập trung các nguồn lực phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới
Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 22/11, UBND huyện Phú Lộc tổ chức công bố quyết định và đón bằng công nhận xã Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến dự buổi lễ có ông Đặng Ngọc Trân, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top